Bao giờ Việt Nam có hãng hàng không mới bay trên bầu trời?
Hãng hàng không liên doanh với AirAsia và Bamboo Airways đều chọn mốc năm 2018 để dự kiến cất cánh nhưng đến nay, một hãng đã "lặn tăm", một hãng thì tuyên bố sẽ bay chuyến đầu tiên vào gần cuối năm.
Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hằng năm trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ hai là Trung Quốc. Lượng khách đến cùng kỳ cũng tăng nhanh nhất khu vực.
Tuy nhiên, thị trường hiện chỉ có 4 hãng bay hoạt động, bao gồm một hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hai bay giá rẻ là Vietjet Air , Jestar Pacific Airlines, và Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO – chủ yếu phục vụ các đường bay từ TP. HCM đến các địa phương miền Nam và hải đảo.
Giai đoạn 2010 – 2017, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng trên hai con số cả vận chuyển người và hàng hoá. Cụ thể, tăng 16,64%/ năm về hành khách và 14%/năm về hàng hoá. Nửa đầu năm 2018 cũng ghi nhận 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%, vận tải hàng hoá đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8%.
Năm 2018 cũng là năm được thị trường kỳ vọng bầu trời xuất hiện thêm những cái tên mới.
Trong năm 2017, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh đã nói về kế hoạch cất cánh đầu năm 2018 của hãng hàng không liên doanh với AirAsia mà ông dự kiến sẽ làm CEO. Liên doanh này có phần vốn góp 70% từ phía Việt Nam do tập đoàn Thiên Minh và một số cá nhân, tổ chức tham gia, 30% còn lại từ AirAsia.
Hãng bay mới sẽ tập trung vào các đường bay quốc tế, thời gian bay dưới 4 giờ. Các máy bay được sử dụng chủ yếu là Airbus 320 và 321.
Chủ tịch Thiên Minh khi trao đổi với báo chí cho biết khả năng bay sẽ thực hiện được do đã có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các thủ tục, cơ sở vậy chất cho một hãng bay.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những thông tin về cấp phép bay hay kế hoạch bay của hãng hàng không này chưa xuất hiện trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2018.
AirAsia, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của Malaysia đã 3 lần thất bại khi muốn đặt chân trực tiếp vào thị trường Việt Nam. Lần hợp tác với ông Trần Trọng Kiên là lần thứ 4. Thành công, giả sử có đến, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra sau năm 2018.
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways, công ty con của Tập đoàn FLC, cũng đặt mục tiêu bay trong năm 2018. Bamboo Airways có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, dự kiến là hãng bay lai, tức nằm giữa hàng không truyền thống và giá rẻ.
Sau rất nhiều "trầy trật", ngày 12/11, Bamboo Airways đã chính thức được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Giấy phép do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký, cho phép hãng vận chuyển hành khách, hàng hoá, hành lý, bưu phẩm trong phạm vi nội địa và quốc tế.
Giấy phép được ban hành sau cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 8/11 về việc cấp phép bay cho Bamboo Airways do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành địa phương liên quan.
Bamboo Airways theo đó đã có được 2 thủ tục pháp lý quan trọng nhất để chính thức tham gia thị trường hàng không Việt Nam gồm Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ phía Chính phủ ngày 9/7/2018 và giấy phép kinh doanh ngày 12/11.
Bên cạnh các thủ tục pháp lý, Bamboo Airways đã có những động thái chuẩn bị như về nhân sự chủ chốt, hạ tầng, máy bay…
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, hôm 15/11 cho biết Bamboo Airways đã lên kế hoạch chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 29/12 để phục vụ hành khách dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán.
Việc mở bán vé dự kiến sẽ trước ngày cất cánh 1 tháng, khoảng 29/11, theo ông Đặng Tất Thắng, TGĐ Bamboo Airways. Các tàu bay thuê đầu tiên khả năng được chuyển về Việt Nam và ngày 15/12, trong số những tàu bay thuê có những chiếc hoàn toàn mới, chưa qua sử dụng.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Bamboo Airways có thể thực hiện được kế hoạch đã đề ra, là cất cánh được trong năm 2018 và trở thành hãng cái tên thứ 5 xuất hiện trên bầu trời Việt Nam.
Ngoài hai hãng kể trên, một cái tên khác cũng đang ôm mộng được bay là Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines. Hãng là liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, CTCP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).
Vietstar Airlines cũng liên tục thực hiện các thủ tục để xin cấp phép bay nhưng chưa nhận được sự chấp thuận. Trở ngại của hãng là do sây bay Tân Sơn Nhất quá tải. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ xem xét việc cấp phép khi sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga và sân đỗ mới. Như vậy, khả năng Vietstar Airlines phải chờ thêm 3 năm.