MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo hiểm là bán hàng đa cấp, lừa đảo tài chính?

26-08-2016 - 07:42 AM | Xã hội

Nhìn bên ngoài việc bán bảo hiểm qua đại lý giống mô hình đa cấp nhưng đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc điều khoản biểu phí, hợp đồng bảo hiểm… ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết.

Tại toạ đàm “ Bảo hiểm và đời sống” do báo Điện tử Dân trí tổ chức ngày 25/8, trước thắc mắc nhiều người cho rằng, bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng như một hình thức bán hàng đa cấp hoặc lừa đảo tài chính , chỉ có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, ông Lộc cho biết, đây là quan điểm sai.

Cũng theo ông, nhìn bên ngoài, việc bán bảo hiểm qua đại lý giống mô hình đa cấp nhưng đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc điều khoản biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, không được thêm bớt.

Cụ thể, đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng năm đầu tối đa 25% phí bảo hiểm thu được với hợp đồng dưới 10 năm, tối đa 40% với hợp đồng kỳ hạn trên 10 năm trong đó có bao gồm chi phí phải bỏ ra để khai thác hợp đồng bảo hiểm. Từ năm thứ 2 trở lên chỉ được hưởng 5% đến 7% việc chi trả hoa hồng cũng được Bộ Tài chính quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không được tự ý làm sai.

Ông Lộc cũng thông tin, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm.


 

Một đoạn quảng cáo bảo hiểm nhân thọ

Một đoạn quảng cáo bảo hiểm nhân thọ

Một thực tế khác cũng được đặt ra là một số trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng không được chi trả điều đó khiến người tham gia bảo hiểm hoang mang, ông Lộc cho biết, các trường hợp không được trả tiền như đơn phương từ bỏ hợp đồng trong vòng 2 năm đầu tiên khi tham gia bảo hiểm. Hoặc xảy ra các rủi ro như tai nạn, đau ốm, bệnh tật thuộc các rủi ro không được ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết…

“Ngoài ra, trường hợp khách hàng gian lận khai báo thông tin không trung thực, không chính xác trong hợp đồng bảo hiểm và các văn bản là bộ phận gắn liền với hợp đồng bảo hiểm. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của sự khai báo này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm”, ông Lộc nói.

Trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm cho các rủi ro, sự kiện bảo hiểm không thuộc loại trừ bảo hiểm, ông Lộc nhấn mạnh rằng, người được hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tòa án để đảm bảo quyền lợi.

Trường hợp xảy ra tranh chấp, người tham gia bảo hiểm lo lắng không thể theo đuổi việc kiện cáo vì các doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính. Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Châu, Văn phòng Luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ để đòi quyền lợi bảo hiểm thì khả năng cá nhân sẽ thắng rất cao.

“Sắp tới Bộ luật Hình sự 2015 có điều khoản 213 về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm xử lý rất nghiêm khắc các cá nhân, pháp nhân cố ý làm sai lệnh thông tin để từ chối trả tiền bảo hiểm”, ông Châu thông tin thêm.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên