Bảo hộ thời đại 4.0 - Thách thức mới đe dọa hoạt động kinh doanh toàn cầu
Chủ nghĩa bảo hộ số của Trung Quốc vừa là nguy cơ vừa là trở ngại cho các ngành kinh doanh hàng hoá.
- 19-07-2017Đây là cách người Thái Lan bảo hộ và xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô được mệnh danh đệ nhất Đông Nam Á
- 29-07-2015Nghịch lý TPP và cách bảo hộ ngành nông nghiệp của người Mỹ
- 07-02-2013Kinh tế thế giới và bóng ma bảo hộ thương mại
Scania không còn gì lạ lẫm khi phương tiện của họ bị kẹt lại tại biên giới theo yêu cầu của nhân viên hải quan và những thủ tục giấy tờ phức tạp. Nhưng hiện nay, công việc kinh doanh của doanh nghiệp xe tải Thuỵ Điển này cũng bị hạn chế. Với dòng dữ liệu của hãng, các trở ngại quốc tế không khác gì những vật cản chắn ngang trên đường đi của những chiếc xe tải.
Khi xe tải của Scania đi qua EU, một hộp nhỏ sẽ gửi các dữ liệu chẩn đoán, bao gồm tốc độ, sử dụng nhiên liệu, hiệu suất động cơ và cả phương pháp lái xe, tới trụ sở tại Thuỵ Điển. Những thông tin này được đưa vào một cơ sở dữ liệu quốc tế khổng lồ giúp các chủ sở hữu quản lý quá trình bảo dưỡng đoàn xe của họ và giúp Scania nâng cấp sản xuất các thế hệ xe tiếp theo.
Hakan Schildt từ bộ phận vận hành dịch vụ của Scania cho biết: "Thế giới đang đi theo hướng phát triển một hệ thống vận tải điện hoá và tự động hoá, và điều này cần tới dữ liệu. Vận tải đang dần trở thành một ngành kinh doanh dữ liệu."
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, một quốc gia kiểm soát trao đổi dữ liệu quốc tế nghiêm ngặt, Scania phải mất thêm chi phí lắp đặt kho dữ liệu địa phương và cách ly một số thông tin khỏi phần còn lại của hệ thống vận hành. Và rất nhiều quốc gia khác cũng đang đặt ra nhiều hạn chế tương tự, nhưng có phần ít nghiêm ngặt hơn. Schildt cho biết: "Chúng tôi phải khu vực hoá nhiều quy trình vận hành của mình và lắp đặt hệ thống xử lý dữ liệu địa phương. Pháp luật quốc gia luôn thay đổi."
Theo McKinsey Global Institute, dòng sản phẩm, dịch vụ và dữ liệu xuyên biên giới đóng góp 10% trong tổng sản phẩm quốc doanh toàn cầu trong một thập kỉ tính đến năm 2015, trong đó, dữ liệu đóng góp một phần ba. Và tỉ lệ đóng góp này sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh giao dịch truyền thống giảm dần, trong khi giao dịch số ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi vai trò của dữ liệu trong toàn bộ nền kinh tế ngày càng sâu rộng, thì ngay cả những ngành công nghiệp nặng như dầu và khí đốt cũng ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu, và do đó, chi phí chặn dòng dữ liệu càng cao hơn.
Ngoài chi phí tăng thêm để xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, các doanh nghiệp cũng hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều khi dữ liệu của họ bị hạn chế. Theo Nicholas Hodac, chủ tịch bộ phận xử lý các vấn đề pháp lý và chính phủ của IBM tại Brussels, ngày càng nhiều khách hàng của công ty tự điều hành kinh doanh bằng công nghệ đám mây. Ông cho biết: "Bạn không thể cung cấp cho khách hàng những dịch vụ hiệu quả trên không gian phân tích hoặc trí tuệ nhân tạo nếu dữ liệu không được chuyển giao tới nơi phân tích tốt nhất."
Chủ nghĩa bảo hộ dữ liệu gia tăng
Tuy nhiên, đây chính là những gì đang diễn ra hiện nay. Chính phủ các nước đã tăng cường các biện pháp "địa phương hoá dữ liệu", theo đó, dữ liệu được lưu trữ trong các máy chủ đặt tại mỗi quốc gia. Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu cho biết trong vòng một thập kỉ tính đến năm 2016, số lượng các biện pháp địa phương hoá dữ liệu quan trọng trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng gần gấp ba, từ 31 lên 84.
Ngay cả trong những nền kinh tế tiên tiến, xuất khẩu dữ liệu giữa các cá nhân cũng bị hạn chế nghiêm ngặt do các lo ngại về vấn đề bảo mật, đặc biệt là sau bê bối Facebook/ Cambridge Analytica. Nhiều quốc gia EU đã hạn chế trao đổi dữ liệu cá nhân ngay cả với các quốc gia khác trong khu vực. Các nghiên cứu thuộc dự án nghiên cứu độc lập của Uỷ ban Quản trị Internet Toàn cầu dự tính các biện pháp hạn chế hiện tại, ví dụ như hạn chế trao đổi dữ liệu về lĩnh vực ngân hàng, cá độ và hồ sơ thuế, sẽ làm giảm 0,5% GDP của EU.
Tại Trung Quốc, các biện pháp hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. Ngoài kiểm soát chuyển giao công nghệ và giám sát dân số đã có từ lâu, những biện pháp này còn là một phần trong chiến dịch công nghiệp "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025). Mục tiêu của chiến dịch là giúp Trung Quốc dẫn đầu trong các khu vực công nghiệp phụ thuộc vào công nghệ như AI và robotics.
"Vạn Lý Hoả Thành" của Trung Quốc từ lâu đã chặn các ứng dụng web nước ngoài; và ngoài ra, đạo luật về an ninh mạng được thông qua vào năm 2016 cũng gây ra nhiều trở ngại cho việc xuất khẩu dữ liệu, buộc nhiều công ty bao gồm cả Apple và LinkedIn phải lưu trữ thông tin của người dùng Trung Quốc tại các máy chủ địa phương. Trung Quốc còn cho mình quyền chặn xuất khẩu các "thông tin quan trọng" nhằm giảm thiểu các nguy cơ kinh tế, khoa học và công nghệ mơ hồ đối với an ninh quốc gia hoặc lợi ích công.
Theo giám đốc Hosuk Lee-Makiyama của ECIPE, khả năng một doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc có thể tự do chuyển giao dữ liệu thương mại và kinh doanh sang quốc gia khác là thấp hơn 1%.
Kết quả của chiến lược này khá ấn tượng: Trung Quốc hiện sở hữu một số doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Alibaba, Tencent và Baidu, và đang nắm giữ một số vị trí quan trọng trong các lĩnh vực mới như AI. Nhưng các nhà kinh tế học cho rằng tăng trưởng khu vực dịch vụ của Trung Quốc tới nay vẫn chưa thể cải thiện tình trạng đi xuống của ngành sản xuất, và hạn chế số hoá cũng không phải là giải pháp. Phòng Thương mại Mỹ cho biết nếu tiếp tục địa phương hoá dữ liệu, thì tới năm 2025, GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1,8-3,4%.
Nhiều tổ chức thương mại như Phòng Thương mại Mỹ đã yêu cầu các quy định hạn chế tình trạng "bảo hộ số". Tuy nhiên, các chuyên gia chuyển giao dữ liệu đã chỉ ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong quản trị toàn cầu. Học giả thương mại Susan Aaronson tại Đại học George Washington cho biết: "Hiện tại có ba cường quốc lớn là EU, Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành thiết lập các địa hạt dữ liệu riêng biệt."
Biện pháp bảo vệ các dòng dữ liệu quốc tế rõ ràng nhất là các thoả thuận thương mại đa phương, song phương hoặc khu vực. Tuy nhiên, mới chỉ có luật quản lý dòng dữ liệu của WTO ra đời trước Internet và vẫn chưa được kiểm nghiệm kỹ lưỡng qua kiện tụng. Mới đây, tổ chức này đã tuyển dụng Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba, phụ trách một sáng kiến thương mại điện tử; nhưng các quan chức có liên quan thừa nhận sáng kiến này khó có thể tạo ra bất cứ thứ gì chắc chắn trong thời gian dài. Giáo sư Aaronson cho biết: "Mặc dù, theo truyền thống, dữ liệu được coi như một vấn đề thương mại điện tử trong các thoả thuận thương mại, nhưng vấn đề này còn rộng hơn như vậy."
Internet vẫn luôn được các nhà tiên phong và các nhà vận động coi là một cộng đồng phi tập trung và tự điều chỉnh. Các nhà hoạt động thường nhìn nhận sự can thiệp của chính phủ bằng con mắt nghi ngờ, chỉ trừ vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, và nhiều người trong số họ rất cảnh giác với luật xúc tiến dòng dữ liệu.
Cần sự phối hợp của nhiều bên
Trong lịch sử, để xây dựng một điều luật thương mại quốc tế, hai cường quốc Mỹ và EU cần cần phải thống nhất về phương hướng chung. Tuy nhiên, quan niệm của châu Âu và nước Mỹ về bảo vệ dữ liệu lại trái ngược nhau. Chính quyền Mỹ và các đồng minh từ lâu đã luôn ủng hộ các điều luật tự do hoá cho các doanh nghiệp công nghệ lớn. Chính quyền Barack Obama luôn cảm thông với các nhu cầu của Thung lũng Silicon, và công khai chỉ trích các chính sách bảo hộ dữ liệu của EU.
Nước Mỹ còn tạo ra những điều luật đảm bảo dòng dữ liệu qua biên giới giữa 12 quốc gia TPP. Bên cạnh đó, Mỹ còn thúc đẩy ý tưởng về một Hiệp định Thương mại về Dịch vụ (TISA) với sự tham gia của 23 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi Donald Trump, người quan tâm nhiều tới thép hơn là công nghệ và có thái độ cực đoan về việc trói buộc Mỹ bằng các quy định quốc tế, đã huỷ bỏ toàn bộ những nỗ lực này. Ông ngay lập tức rút Mỹ khỏi TPP, và gần đây ông đã tái khẳng định thái độ hoài nghi của mình đối với hiệp định này. Dù vậy, 11 quốc gia TPP còn lại vẫn giữ lại các quy định về dữ liệu khi tái xem xét thoả thuận; nhưng sự tham gia của Mỹ sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn cho những quy định này.
Trong khi đó, sự vắng mặt của Mỹ đồng nghĩa với việc TISA cũng bị trì hoãn. Việc thúc đẩy các quy định về dữ liệu ngày càng gặp nhiều khó khăn, và EU chính là trở ngại chính.
Châu Âu từ lâu đã có những quan niệm vô cùng khác biệt về dữ liệu và bảo mật. Ví dụ, tại Đức, quan điểm của công chúng là ủng hộ các đạo luật bảo vệ quyền bảo mật nghiêm ngặt. Luật Bảo vệ Dữ liệu Chung mới của EU có hiệu lực vào ngày 25/5 đưa ra một danh sách dài gồm các yêu cầu cho các công ty xử lý dữ liệu cá nhân với mức phạt có thể lên tới 4% lợi nhuận hàng năm.
Một quan chức cấp cao của EU đã so sánh vấn đề này với thực phẩm biến đổi gien, một vấn đề thương mại khó nhằn khác. Người dân châu Âu nghi ngờ công nghệ mà họ coi là không đáng tin và các doanh nghiệp Mỹ tuyên truyền công nghệ này. Theo đó, Uỷ Ban Châu Âu đã ban hành một đạo luật nghiêm khắc, đó là EC không sẵn sàng tự do hoá thông qua đàm phán thương mại.
Theo nguyên tắc, GDPR có thể tương đương với việc khuyến khích dòng dữ liệu số qua biên giới. Tuy nhiên, Marietje Schaake, một thành viên người Hà Lan thuộc Nghị viện châu Âu, cho biết: "Không một thoả thuận thương mại nào có thể thay đổi luật pháp của EU, dù là về bảo vệ dữ liệu, môi trường hay bất cứ thứ gì. EU có thể thiết lập tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu nếu chúng tôi viết những nguyên tắc kết nối rõ ràng với các biện pháp bảo vệ quyền bảo mật thích hợp."
Trên thực tế, những cá nhân phụ trách bảo vệ quyền bảo mật tại EU vẫn lo ngại rằng các quy định về dữ liệu trong các thoả thuận thương mại có thể khiến họ dễ vướng vào kiện tụng, và ủng hộ xuất khẩu quy định về dữ liệu thông qua các thoả thuận đơn phương. Sau một trận chiến cam go giữa các quản lý quản trị bảo vệ dữ liệu và thương mại, mới đây uỷ ban đã đề xuất một văn bản chuẩn về dòng dữ liệu cho các thoả thuận thương mại trong tương lai.
Mục đích của biện pháp này là nghiêm cấm các biện pháp địa phương hoá thường được Nga và Trung Quốc áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng biện pháp này được viết bằng ngôn ngữ vô cùng cẩn trọng với một nội dung về miễn áp dụng đối với các biện pháp có mác bảo mật. Lee-Makiyama cho biết: "Văn bản của EU sẽ không đặt ra bất kỳ hạn chế có ý nghĩa nào với các quốc gia muốn tiến hành địa phương hoá dữ liệu."
Các cân nhắc chiến lược là rất quan trọng. Đưa những vấn đề đầy tranh cãi như dòng dữ liệu vào các thoả thuận thương mại khiến chúng dễ thất bại. Thuỵ Điển, một quốc gia nhìn chung là ủng hộ thương mại mở cửa, đứng đầu nhóm "Digital 9" gồm các quốc gia EU kêu gọi thiết lập các điều luật mạnh mẽ về bảo vệ chuyển giao dữ liệu. Tuy nhiên, trong hội thảo mới đây tại Brussels, Ann Linde, bộ trưởng thương mại Thuỵ Điển, lại phát biểu rằng: "Đưa dữ liệu vào các thoả thuận thương mại không phải là một biện pháp hoàn hảo. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được biện pháp tốt hơn."
Trái với bối cảnh chính trị trên, viễn cảnh với các quy định dòng dữ liệu quốc tế rộng và ràng buộc hơn vẫn còn mơ hồ. Bất kỳ sáng kiến toàn cầu nào cũng có thể cần tới sự dẫn đầu tích cực của Mỹ. Dù Mỹ đang xúc tiến các quy định dòng dữ liệu chặt chẽ khi đàm phán NAFTA cùng Canada và Mexico, nhưng nếu không tái gia nhập TPP, ảnh hưởng của Mỹ sẽ bị hạn chế.
Giáo sư Aaronson cho biết các nền kinh tế tiên tiến nên đoàn kết cùng thiết lập một bộ quy định cân bằng về dòng dữ liệu thay vì để Trung Quốc nắm quyền. Tuy nhiên, nếu không có một lãnh đạo, thì những doanh nghiệp như Scania sẽ khó có lựa chọn nào ngoài tiếp tục chuẩn bị thay đổi hoạt động để thích ứng với những thay đổi của chủ nghĩa bảo hộ số.
Schildt cho biết: "Dòng dữ liệu tự do là một phần của thương mại tự do. Công nghệ đang thay đổi nhanh hơn sự hiểu biết của chúng ta." Tuy nhiên, quản trị thông tin số hiện đang tiến triển chậm hơn.