MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo lãnh vay 400 nghìn tỷ, nhiều dự án Chính phủ phải trả nợ thay

Dư nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2018 đã giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017, góp phần giảm nợ công theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.

Một số dự án của EVN và PVN đã trả nợ trước hạn

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình nợ Chính phủ bảo lãnh cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 437 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017), chiếm 13,5% tổng nợ công và bằng 7,9% GDP.

Bộ Tài chính cho biết: Do trong năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho 2 dự án điện (Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN và Vĩnh Tân 4 mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) trị giá hơn 1,6 tỷ USD nên tỷ trọng vốn đã cấp bảo lãnh chính phủ cho các doanh nghiệp đã có sự thay đổi so với năm 2017.

Bảo lãnh vay 400 nghìn tỷ, nhiều dự án Chính phủ phải trả nợ thay - Ảnh 1.

Một số dự án của EVN và PVN đã trả nợ trước hạn. Ảnh: Lương Bằng

Bộ Tài chính đánh giá: Các dự án đầu tư nguồn điện đảm bảo lượng điện tiêu thụ và có hợp đồng bán điện dài hạn nên có nguồn thu ổn định và đảm bảo khả năng trả nợ tốt so với các lĩnh vực khác.Dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh Chính phủ do dư nợ của các lĩnh vực khác đang giảm dần do không cấp bảo lãnh mới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng bảo lãnh trong lĩnh vực điện tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn như EVN, PVN và Vinacomin với trị giá vay lớn tạo nên tỷ trọng dư nợ lớn trong danh mục sẽ làm tăng rủi ro nếu doanh nghiệp có vấn đề về tài chính.

EVN là đơn vị có số nợ vay được Chính phủ bảo lãnh nhiều nhất bởi việc đầu tư nguồn điện rất tốn kém. Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đã cấp bảo lãnh cho EVN đến 31/12/2018 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực điện (58,43%) nhưng đã giảm 1,94 điểm % so với năm 2017. Trong khi con số này của PVN đã tăng thêm 1,54 điểm % so với năm 2017, chiếm 17,61%. Tỷ trọng của các doanh nghiệp khác giảm nhẹ do không có cấp bảo lãnh trong năm 2018.

Các dự án ngành điện đều đang trả nợ bình thường, một số dự án của EVN và PVN đã trả nợ trước hạn.

Trong lĩnh vực hàng không, năm 2018 Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty cổ phần Cho thuê máy bay tiếp tục đảm bảo việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn. VNA vẫn tiếp tục thực hiện trả nợ trước hạn một số khoản vay có lãi suất cao hoặc có thời hạn trả nợ còn lại ngắn từ nguồn thu kinh doanh của doanh nghiệp với trị giá 31 triệu USD.

Đến cuối năm 2018, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực hàng không là hơn 1,3 tỷ USD, giảm so với cuối năm 2017.

Bảo lãnh vay 400 nghìn tỷ, nhiều dự án Chính phủ phải trả nợ thay - Ảnh 2.

Nhà máy giấy phương Nam không trả được nợ nên Chính phủ phải tạm trả thay.


Còn nhiều dự án gặp khó khăn trong trả nợ

Theo Bộ Tài chính, một số dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu khoản nợ vay Quỹ tích lũy trả nợ như Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành đã thu xếp tự trả nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Các dự án còn lại đang trả nợ bình thường.

Dự án xi măng sông Thao sau khi được tái cơ cấu đã trả hết khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, khoản vay Quỹ tích lũy và tất toán toàn bộ nghĩa vụ nợ với Bộ Tài chính.

Đến cuối 2018, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực xi măng là hơn 94 triệu USD, giảm gần một nửa so với cuối năm 2017 do các dự án đang trong giai đoạn trả gốc.

Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn đánh giá: Lĩnh vực xi măng vẫn là lĩnh vực có rủi ro bán hàng do ảnh hưởng của thị trường xây dựng và vẫn cần được các bộ quản lý theo dõi sát sao.

Một số dự án khác được Chính phủ bảo lãnh đang đối mặt nhiều khó khăn, khiến Chính phủ phải tạm ứng trả nợ thay.

Dự án gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ là dự án Xekaman 3 của Công ty CP Điện Việt Lào. Dự án bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện nay công ty nỗ lực khắc phục sự cố và tái cơ cấu lịch trả nợ cả trong và ngoài nước để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn, ổn định, sản xuất và trả nợ.

“Công ty có rủi ro về tài chính và vận hành đối với dự án Xekaman 3 nếu việc khắc phục sự cố không đảm bảo tiến độ và kết quả dự án”, Bộ Tài chính lưu ý.

Ngoài ra, trong năm 2018, dự án nhà máy giấy Phương Nam đã kết thúc việc trả nợ cho ngân hàng Societe Generale và Tổng công ty Giấy đang nhận nợ với Quỹ tích lũy trả nợ đối với các khoản mà Quỹ đã ứng trả cho ngân hàng.

Do dự án này đem bán đấu giá nhiều lần không ai mua nên đến nay chưa có nguồn để trả nợ mà Quỹ tích lũy đã ứng trả thay.

Đối với dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư đang gặp vấn đề về trả nợ. Lý do là chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Bộ Tài chính có nhiều văn bản đề nghị hai Bộ trao đổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với số tiền hơn 44 triệu USD.

“Đây là vấn đề nổi cộm và cần phải xử lý dứt điểm để tránh vi phạm nghĩa vụ của bên vay và bên bảo lãnh là Chính phủ Việt Nam”, Bộ Tài chính lưu ý.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên