Bão lũ khiến người dân trồng cao su điêu đứng
Sau cơn bão số 10 vừa qua, nhiều người dân trồng cao su ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh rơi vào khốn đốn. Những đồi cao su bạt ngàn bỗng chốc chỉ còn trơ lại những đống cành lá xác xơ.
- 03-10-2017Xuất khẩu cao su vào EU sẽ khó khăn
- 25-09-2017Sốt thị trường gỗ cao su thanh lý
- 24-09-2017Nhập khẩu cao su: Tăng vọt có đáng lo?
Trong nhiều hội nghị bàn về phát triển nông nghiệp bền vững trước đó, không ít chuyên gia, nhà khoa học đều khuyến cáo: Nên hạn chế hoặc từ bỏ việc trồng cao su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, vùng đất chịu nhiều bão, lốc, nền đất lại yếu. Song do nhiều lý do nên các diện tích cao su ở các tỉnh trong vùng đất này vẫn ngày một mở rộng, và khi bão lũ đi qua, chỉ còn nước mắt chảy quanh thân cao su gãy đổ.
Hòa nước mắt bên “vàng trắng”
Vào khoảng từ năm 2005-2010, giá mủ cao su trên thị trường tăng đột biến. Mủ cao su được giới kinh doanh trong ngành nông nghiệp gọi là “vàng trắng”. “Vàng trắng” lên ngôi và ở Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế… người dân đổ xô trồng cao su. Những đồi chè xanh, những đồi tiêu đang cho thu hoạch, thậm chí hàng ngàn ha diện tích rừng tự nhiên cũng bị người ta phù phép “hô biến” thành rừng nghèo, rừng sản xuất để trồng cao su.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, cơn lốc “vàng trắng” trong vòng khoảng 5 năm đã giúp không ít người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đổi đời. Vào thời điểm đó, tính trung bình cứ 1ha cao su đưa lại tiền lãi cho người trồng 1 triệu đồng/ngày. Có những hộ gia đình trở thành tỷ phú trong vài năm khi có hàng chục ha cao su vào kỳ khai thác lấy mủ. Nhưng sau khi có tiền lãi từ cao su, hầu hết các hộ dân lại tiếp tục mua thêm đất, cây giống để trồng.
Và trận bão kinh hoàng năm 2010 đã “cướp” đi tất cả mồ hôi, nước mắt của người trồng cao su ở miền Trung. Sau bão, người dân lại gồng mình trồng tiếp cao su, rồi các trận bão liên tiếp vào 2012, 2013, 2015 và mới đây bão số 10 quét qua, người dân trồng cao su đã trở nên điêu đứng. Nhiều hộ gia đình đang rao bán nhà, bán rẫy cao su để trang trải nợ nần.
Chỉ vài tiếng đồng hồ bão quét qua, hàng ngàn ha cao su ở Bắc Trung Bộ đã bị gãy đổ.
Nhiều năm qua, người dân Quảng Bình luôn tự hào về thị trấn Việt Trung, nơi có hàng ngàn ha cao su. Bão số 10 quét qua chỉ vài tiếng đồng hồ đã chặt ngang nhiều ha cao su của người dân hàng ngày vun xới. Nhiều người dân thẫn thờ đi giữa rẫy cao su với dòng nước mắt chảy dài. Khác gì Việt Trung, ngược lên Phú Định, huyện Bố Trạch, chúng tôi cũng bắt gặp hàng trăm ha cao su đến mùa thu hoạch bị bão cắt ngang. Những đồi cao su bạt ngàn bỗng chốc còn lại chỉ là những thân cây gãy đổ, trốc rễ, xếp chồng lên nhau.
Cũng giống như vậy, bà con trồng cao su ở Quảng Trị, Hà Tĩnh cũng bị thiệt hại nặng nề do bão số 10. Đi giữa đồi cao su chỉ còn trơ gốc và gãy đổ ngổn ngang, anh Trần Đình Nam ở Vĩnh Linh, Quảng Trị chua xót: “Nợ ngân hàng, tiền ăn, tiền học cho con cũng trông ngóng vào cao su đến kỳ thu hoạch, giờ bão vô coi như trắng tay chú ạ. Có ai nghĩ hôm nay còn hy vọng vào cao su, nhưng sau một đêm thì không còn cái gì nữa, bão thổi bay hết rồi”.
Có nên tiếp tục trồng cây cao su trên vùng đất bã
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, bão số 10 chỉ quét qua vài tiếng đồng hồ, nhưng đã làm đổ gãy hơn 10.000ha cao su của bà con nông dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Và hầu hết diện tích cao su bị đổ gãy đang chuẩn bị cho người dân vào mùa thu hoạch mủ. Nhiều nông dân tay trắng, cầm cố nhà cửa ngân hàng để vay mượn trồng cao su giờ lại trở nên trắng tay.
Còn nhớ sau cơn bão số 10 năm 2013 làm đổ gãy hàng ngàn ha cao su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển cây cao su các tỉnh Bắc Trung Bộ”. Hầu hết ý kiến các đại biểu, chuyên gia về nông nghiệp đều khuyến cáo, đề nghị không nên trồng cao su ở vùng đất này. Và về lâu dài nên tìm cây thay thế cây cao su. Bởi thổ nhưỡng, khí hậu ở các tỉnh Bắc miền Trung không phù hợp với sự phát triển của cây cao su.
Tiến sĩ nông nghiệp Đinh Thanh Sang cho rằng: Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề là tại sao khi đưa cây cao su du nhập vào nước ta, người Pháp đã không chọn trồng ở khu vực các tỉnh miền Trung. Cây cao su có đặc tính giòn, rễ mọc ngang, tán lá dày, nên chỉ cần bão giật cấp 10, cấp 11 với vận tốc trên 100km/giờ ở ven biển miền Trung khiến cây gãy đổ hàng loạt là điều dễ hiểu. Nghiên cứu khoa học cho thấy, cây cao su chỉ thích hợp với tốc độ gió 2-3 m/s, chỉ cần gió cấp 8 là có thể gãy ngọn, gió cấp 10 có thể làm cây bật gốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài là người trưởng thành từ ngành nông nghiệp cho biết, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 15 nghìn ha cao su; trong đó có gần 10 nghìn ha đang trong thời kỳ khai thác. Và trận bão số 10 vừa qua đã làm cho gần 3.500 ha cao su đổ gãy, trong đó khá nhiều diện tích phải phá bỏ. Để giảm thiệt hại trong sản xuất, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi một phần đất trồng cao su sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng phát triển hàng hóa, trồng rừng bản địa và các loại cây trồng cây ăn quả khác.
Ngưng phát triển cây cao su vùng gần và ven biển
Sáng 9-10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội quý III/2017, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có chủ trương ngưng phát triển cây cao su gần và ven các vùng biển của tỉnh. Lý do, qua nhiều năm, cây cao su ở những vùng này dễ bị gãy đổ, thiệt hại lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Cùng với việc ngưng phát triển cây cao su, tỉnh tiến hành khảo sát thực tế, nghiên cứu, chọn lựa các loại cây trồng phù hợp ở những vùng kể trên, trong đó đặc biệt ưu tiên các cây trồng chống biến đổi khí hậu, năng suất kinh tế cao và đầu ra cho người nông dân thuận lợi.
Được biết, bão số 10 vừa qua đã làm gãy đổ gần 4.000 héc-ta cây cao su ở Quảng Trị. Trong đó, cây cao su bị gãy đổ tập trung chủ yếu ở những vùng gần và ven biển như các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh.
T.B.
Công an nhân dân