MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Mỹ viết gì việc nhà đầu tư hững hờ với đấu giá EVNGENCO 3?

Các nhà đầu tư đăng ký mua chưa đến 3% lượng cổ phần chào bán ra công chúng của Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) trước ngày đăng ký đấu giá.

Theo các chuyên gia, ngành năng lượng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng nhà đầu tư vẫn tỏ ra bàng quan với đợt IPO lần này do cổ phiếu của EVNGENCO 3 bị định giá quá cao. Trong khi đó Chính phủ kỳ vọng thu về ít nhất 290 triệu USD trong đợt chào bán này.

EVNGENCO 3 hay Genco 3 là Tổng công ty phát điện lớn thứ 2 Việt Nam xét trên công suất lắp đặt. Theo phương án cổ phần hóa, EVNGENCO 3 chào bán 12,8% vốn điều lệ, phiên đấu giá công khai sẽ diển ra vào thứ 6 tuần này (09/02). Ngoài ra, EVNGENCO 3 có kế hoạch bán 36% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược, EVN vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phần (51%).

Tuy nhiên, theo kết quả đăng ký trên website của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM hôm 01/02, có 336 nhà đầu tư tham gia đấu giá với tổng khối lượng đặt mua tương đương với 2,8% của lượng cổ phần chào bán, tức là chưa đến 0,36% vốn điều lệ của Tổng công ty.

Những con số trên là quá khiêm tốn nếu so với 4.000 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần khi Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thực hiện IPO. Vào tháng trước, thương vụ thoái vốn ở BSR đã giúp Chính phủ thu về 245 triệu USD sau khi bán 7,99% cổ phần.

Cũng trong tháng 1, ngân sách Nhà nước cũng tăng thêm 492 triệu USD nhờ bán 20% cổ phần của Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Bà Vũ Thu Hà, chuyên gia phân tích cao cấp của CTCP chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cổ phiếu Genco 3 được định giá với P/E khoảng 19 lần, cao hơn nhiều so với mức bình quân khu vực là 15 lần.

"Nó còn đắt hơn cả PV Power với chỉ số P/E dự phóng là 13 lần, trong khi triển vọng của Genco 3 lại không hứa hẹn như PV Power", bà Hà cho biết. Bà nói thêm các nhà máy của PV Power còn hoạt động hiệu quả hơn các nhà máy của Genco 3.

Nhu cầu về điện của Việt Nam đang tăng khoảng 11%/năm, được đáp ứng chủ yếu nhờ vào các nhà máy điện than và các nhà máy điện hydro.

Với công suất lắp đặt lớn, EVNGENCO 3 chiếm 16% thị phần. Công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chiếm 20% thị phần. PetroVietnam chỉ nắm giữ 12% thị phần.

Ông Nguyễn Phong Danh, chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết EVNGENCO 3 không tổ chức nhiều hội nghị cho các nhà đầu tư tiềm năng như một số DNNN khác đã làm khi tiến hành cổ phần hóa gần đây.

"Cổ phiếu bị định giá quá cao, chỉ có các nhà đầu tư chiến lược dài hạn mới có thể chấp nhận được mức giá đó", ông Danh nói.

Ngoài ra, bà Hà cho biết thương vụ bán cổ phần của Genco 3 không được sự hưởng ứng như mong đợi là do nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào các đợt IPO trước đó và IPO của EVNGENCO 3 lại diễn ra vào trước Tết nguyên đán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, chỉ tăng 2,9% trong năm nay. Trong phiên 5/2, VnIndex đã giảm kỷ lục hơn 56 điểm, vốn hóa TTCK Việt Nam "bay hơi" hơn 8 tỷ USD.

Lan Anh

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên