Bao nhiêu giáo viên hợp đồng Hà Nội đủ điều kiện xét đặc cách?
Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, công bố điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm đủ điều kiện và báo cáo về Sở trước ngày 21/12//2019.
- 03-10-2019Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội tiếp tục kêu cứu vì bị mất việc
- 09-04-2019Chủ tịch Hà Nội thông tin mới về việc 256 giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc
- 28-07-2018Cà Mau sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên
- 11-03-2018Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng
Theo đó, để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, Sở Nội vụ đề nghị UBND ocác quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập thực hiện các nội dung như:
Rà soát, thống kê và xác định số lượng giáo viên hiện có, số giáo viên thiếu so với biên chế giáo viên được giao;
Thống kê, lập danh sách giáo viên thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách quy định tại công văn 5378 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2015 trở về trước, cụ thể như sau:
Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.
Là đối tượng hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.
Có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, chức danh, khung mục vị trí việc làm).
Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã gửi báo cáo thống kê về Sở Nội vụ trước ngày 21/12/2019.
Vẫn còn băn khoăn
Ngay sau khi Sở Nội vụ có văn bản, các quận huyện cũng lập tức triển khai. Huyện Thanh Oai có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập thuộc huyện. Trong văn bản này, UBND huyện Thanh Oai nhấn mạnh hai nội dung. Thứ nhất, giáo viên có thời gian ký hợp đồng lao động đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật BHXH tại các trường công lập thuộc UBND huyện trước ngày 31/12/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập.
Thứ hai là việc thống kê số lượng giáo viên bộ môn hiện có đối với các giáo trường THCS được thực hiện là giáo viên được phân công giảng dạy chính ở môn học nào thì thống kê ở vị trí giáo viên của môn học đó, không thực hiện thống kê số giáo viên hiện có theo cách chia nhỏ phân môn theo bằng cấp chuyên môn hiện có hoặc kiêm nhiệm... hoặc bộ môn không giảng dạy chính.
Đến thời điểm này có thể nói câu chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội gần như đã có hướng để giải quyết. Với những tiêu chí được nêu rõ ràng có thể thấy việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên chỉ là chuyện sớm muộn.
Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn với điều kiện: “Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập”.
Điều kiện này đang làm khó nhiều giáo viên. Bởi điều kiện này nói rõ giáo viên được xét đặc cách hiện vẫn đang làm hợp đồng tại các trường mầm non, tiêu học và trung học cơ sở công lập.
Trong khi đó theo tìm hiểu của phóng viên, Thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì đã chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên hợp đồng từ đầu năm học. Như vậy nếu chiếu theo tiêu chuẩn của Sở Nội vụ Hà Nội đương nhiên số giáo viên này sẽ không được xét đặc cách. Và như thế, có thể nói toàn bộ giáo viên hợp đồng trước 31/12/2015 của hai huyện này không ai được xét tuyển đặc cách, khiến các giáo viên đứng ngồi không yên.
Vì việc cắt hợp đồng là đơn phương từ Huyện, Thị xã chứ không phải ý muốn chủ quan của giáo viên và họ bị mất cơ hội xét tuyển đặc cách. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho hàng trăm giáo viên.
Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), 256 giáo viên hợp đồng cũng như ngồi trên đống lửa. Bởi theo chỉ đạo của huyện Sóc Sơn: Từ ngày 1/1/2020 sẽ cắt hợp đồng giáo viên. Như vậy hơn 200 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn cũng có nguy cơ không được xét đặc cách.
Các giáo viên hợp đồng của Hà Nội cần một chính sách nhân văn và công bằng hơn. Do đó, Sở Nội vụ cần có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiền Phong