Bão nổi lên, chủ lo đối phó còn người làm lăn ra ngủ và bí quyết thành công ai cũng nên nhớ
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ anh người làm này thật lười biếng, nhưng thực ra, ông chủ nào cũng mong có được một nhân viên như vậy.
- 20-08-2019"Cha đẻ" bật lửa Zippo: Đứa con bất trị, chán ghét trường học, nảy ra ý tưởng "điên rồ" ngay giữa khủng hoảng kinh tế
- 20-08-2019Những “chuẩn mực” của thời đại công nghệ khiến chúng ta chăm chú vẻ ngoài, thậm chí soi mói chính mình như thế nào?
- 20-08-2019"Tôi 28 tuổi, chỉ vì một cuộc điện thoại đã suýt tự hủy đi sự nghiệp của bản thân": Làm việc có thể chịu khổ, nhưng đừng để chịu thiệt vì EQ thấp
Kỹ năng kỳ lạ từ chàng thanh niên đến xin việc
Ngày xưa có một người chủ sở hữu một mảnh đất rộng lớn dọc bờ biển Đại Tây Dương. Nhưng dù đã dán nhiều thông báo tuyển người trông coi trang trại, dường như vẫn không có ai đến ứng tuyển, dù mức lương khá hậu hĩnh.
Lý do là, người ta ngần ngại khi làm việc dọc vùng Đại Tây Dương, vì ở đây thường xuyên có bão lớn. Những cơn bão thường rất dữ dội và tàn phá cả nhà cửa, cây cối cũng như hoa màu, thậm chí còn có thiệt hại về người nữa.
Cuối cùng, nhiều tháng sau, có một thanh niên trẻ đến xin được làm công việc chăm nom trang trại.
"Anh có kỹ năng hay kinh nghiệm làm việc trong trang trại nào như thế này chưa?", người chủ hỏi chàng trai trẻ.
"Có lẽ kinh nghiệm của tôi thì chưa đủ, nhưng tôi vẫn có thể đánh một giấc thật say khi trời nổi gió", chàng trai đáp lời.
Bí quyết của anh người làm là có thể ngủ thật say khi trời nổi gió. (Ảnh minh họa: Internet)
Mặc dù không thấy câu trả lời của anh chàng thuyết phục lắm, nhưng vì chẳng còn ứng cử viên nào nên người chủ đành miễn cưỡng đồng ý nhận người này vào làm. Những ngày đầu, chàng trai làm việc khá tốt, khiến ông chủ rất hài lòng.
Rồi đến một buổi tối nọ, trời nổi giông bão, sấm chớp giật đùng đùng. Ngay khi nghe thấy tiếng gió gầm rú, người chủ trang trại đã ra khỏi giường, với tay lấy cái đèn măng sông rồi đi đến nơi chàng thanh niên đang ngủ.
"Dậy mau, bão đến rồi, hãy cột chặt mọi thứ trước khi chúng bị gió cuốn đi", ông chủ hét lên, tay ra sức lay người thanh niên đang ngủ say như chết.
Nhưng ông chủ không thể ngờ được phản ứng bình tĩnh và lời đáp rõ ràng của chàng trai, "Không, tôi đã bảo ông rồi, tôi vẫn có thể ngủ thật say khi trời nổi gió mà".
Và cái kết không ngờ
Nghe được những lời nói này, người chủ vô cùng tức giận và tự nhủ trước tiên, việc quan trọng là ông sẽ đi kiểm tra và cột chặt mọi thứ lại, sau đó, khi cơn bão qua đi, ông sẽ sa thải kẻ làm việc lười biếng và vô trách nhiệm này.
Mặc cho bên ngoài trời mưa bão, chàng trai vẫn có thể ngủ ngon lành. (Ảnh minh họa: Internet)
Thế nhưng, khi ra bên ngoài, ông đã hết sức ngạc nhiên với những thứ mà mình nhìn thấy. Tất cả các đống cỏ khô đã được che lại bằng bạt. Đám gà và bò đều đã được cho vào chuồng chu đáo, tất cả cửa ra vào đều đã được đóng và chặn lại bên ngoài cẩn thận, cửa chớp cũng được bảo vệ kiên cố.
Mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức những cơn gió dù dữ dội đến thế nào cũng không thể đe dọa đến nông trang.
Người chủ mỉm cười khi nghĩ lại những lời mà "kẻ lười biếng" vừa nói trong cơn ngái ngủ. Giờ thì ông đã hiểu ẩn ý của chàng trai khi anh khẳng định mình vẫn có thể ngủ ngon khi trời nổi gió. Và thế là, ông cũng quay trở lại giường ngủ, đánh một giấc thật say, chờ cơn bão qua đi.
Lời bàn: Các cụ ta hay có câu, "Nước đến chân mới nhảy", ý chỉ những người chẳng bao giờ có sự chuẩn bị cho những việc trước mắt, chỉ khi xảy ra vấn đề mới cuống quýt tìm giải pháp, nhưng thường thì trong lúc vội vàng như vậy, khó mà có thể có được kết quả tốt.
Thật ra, khi bạn đã có đủ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ kiến thức, đến vật chất và tinh thần, thì dù có phải đón nhận những thử thách đến thế nào trong cuộc đời, bạn cũng sẽ chẳng có gì phải sợ hãi nữa, vì bạn hoàn toàn có thể xử lý được chúng.
Benjamin Disraeli (1804 – 1881), cựu Thủ tướng Anh từng nói, "Bí quyết thành công trong cuộc sống của một người đàn ông, chính là luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cơ hội của mình".
Vậy bạn đã có thể ngủ ngon trước những sóng gió của cuộc đời mình hay chưa?
Trí thức trẻ