MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bão số 4 đổ bộ đất liền từ chiều tối nay, người dân "vùng đỏ" cần chú ý những gì?

27-09-2022 - 12:42 PM | Sống

Dự báo từ chiều tối 27/9, bão số 4 sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Bình Định.

Duy trì cường độ mạnh

Hồi 22 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm.

Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 210km, cách Quảng Nam khoảng 160km, cách Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.

Bão số 4 đổ bộ đất liền từ chiều tối nay, người dân vùng đỏ cần chú ý những gì? - Ảnh 1.

Dự báo đường di chuyển bão số 4. Nguồn: TTKTTVQG.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 22 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Ảnh hưởng nước ta từ chiều 27/9

Từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.

Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,0-1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2,0-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Cảnh báo mưa lớn: Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ 28 - 30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.

Khả năng xảy ra lũ được chia làm các kịch bản, với kịch bản mưa lớn trên 300 mm thì các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức báo động 1 (BĐ1)- BĐ2 và trên BĐ2; Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; Các sông ở Thừa Thiên Huế ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Kịch bản thứ 2 là mưa lớn trên 400 mm, đỉnh lũ trên các ông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3; Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.

Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai…

Cảnh báo người dân "vùng đỏ"

Ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục theo dõi sát các tàu thuyền hoạt động trên biển để nắm bắt tình hình, đôn đốc các tàu này vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân tại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần phải sơ tán sớm trước khi bão đổ bộ, có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản.

Về phía người dân

Theo các chuyên gian, đây là cơn bão rất lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Những nhà cấp 4 lợp tôn, ngói ở ven biển và vùng thấp sẽ không an toàn với cơn bão này. Bà con cần sơ tán theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Thời gian hoàn tất việc sơ tán nên trước 16 giờ chiều ngày 27 tháng 9.

- Tuyệt đối không ở lại trên thuyền và lồng bè ven biển.

- Tuyệt đối không đi ra ngoài đường khu vực được dự báo có bão vào từ khung giờ 21h ngày 27/9 cho đến khi bão tan.

- Di chuyển hầm trú bão nếu trong nhà không an toàn.

- Tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão.

- Luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin.

Ngoài ra các địa phương từ Thừa Thiên Huế - Bình Định cũng đã chuẩn bị các biện pháp để hỗ trợ, ứng cứu người dân trước, trong và sau khi bão đổ bộ.

Theo Hạ Vũ

Tổ quốc

Từ Khóa:
Trở lên trên