Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh xuất hiện trên tạp chí kiến trúc nổi tiếng
Bảo tàng Đạo Mẫu được xây dựng từ hàng triệu viên ngói cổ với thiết kế không gian đậm nét truyền thống của người Việt Nam.
- 18-06-2023Xuân Hinh chúc 'lấy vợ trẻ thì phải cố gắng sớm khỏe', phản ứng của Công Lý thế nào?
- 12-03-2023NS Xuân Hinh lên tiếng khi con rể gây bàn tán vì mặc váy ra đường: ‘Các con có cá tính riêng, biết đâu sắp tới mình cũng học hỏi mặc váy’
- 05-12-2022NSƯT Xuân Hinh xúc động nghẹn ngào trong đám cưới con gái
Thời gian gần đây, nghệ sĩ Xuân Hinh liên tục chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về căn nhà với kiến trúc độc đáo, nằm trong vườn cây xanh mát rượi ở ngoại thành Hà Nội. Ngôi nhà với diện mạo kỳ lạ, vô cùng ấn tượng đã thu hút sự chú ý của nhiều người sau khi chính thức hoàn thiện vào năm 2023.
Mới đây, DesignBoom, tạp chí kiến trúc - thiết kế hàng đầu tại Italia, đã đăng tải bài viết thể hiện sự trầm trồ, thán phục về ngôi nhà đặc biệt của nghệ sĩ Xuân Hinh mà ông đặt tên là Bảo tàng Đạo Mẫu.
Mở đầu bài viết, tạp chí này giới thiệu: "Bảo tàng Đạo Mẫu, một dự án văn hóa do nghệ sĩ Xuân Hinh, nghệ sĩ dân gian nổi tiếng của Việt Nam, đầu tư xây dựng. Ẩn mình dưới những tán cây xanh mát rượi của một vườn cây ăn quả 50 tuổi nằm giữa một ngôi làng gần thủ đô Hà Nội, bảo tàng trải rộng trên diện tích 5.000 m2. Một số cấu trúc trong vườn cây này như cột, cổng vẫn được giữ nguyên bản".
Nhóm kiến trúc sư của công ty ARB, do Nguyễn Hà đứng đầu, nhằm mục đích bảo tồn tín ngưỡng và truyền thống vốn có của Việt Nam bằng cách đưa các vật liệu địa phương như gạch đất sét vào thiết kế bảo tàng.
Đội ngũ kiến trúc sư và nghệ sĩ Xuân Hinh đã thống nhất bảo tồn tất cả những gì “có mặt trên mặt đất”, bao gồm toàn bộ cây cối đã cắm rễ trong vườn, ngôi nhà cổ, hàng rào, cột cổng...
Gạch đất sét truyền thống dùng để xây dựng ngôi nhà được nghệ sĩ Xuân Hinh cất công thu thập từ những ngôi nhà cổ ở khắp các nơi, giữ vững tôn chỉ bảo tồn di sản kiến trúc, trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Thực tế, quá trình đô thị hóa đã và đang có tác động lớn đến các làng quê ở vùng nông thôn, dẫn đến diện mạo mới về kiến trúc làng quê. Nhiều gia đình không còn mong muốn duy trì kết cấu mái ngói truyền thống như trước đây nữa mà lựa chọn những công trình hiện đại và bền bỉ hơn.
Được biết, ý tưởng sử dụng những viên ngói này bắt nguồn từ ký ức của kiến trúc sư về những nghi lễ múa vàng mã và bầu không khí linh thiêng khi khói hương xuyên qua những mái ngói của các ngôi chùa.
"Ý tưởng sử dụng ngói cũ xuất phát từ ký ức của tôi mỗi lần xem lễ cúng vàng mã. Tôi nhớ đến cảm giác thiêng liêng qua làn khói nhang, qua ánh nắng chiều thấm sâu vào bên trong những mái ngói của các ngôi chùa. Từ xa, tôi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn những đường nét kiến trúc tạo nên bởi những mái nhà thấp, tựa như một tấm rèm treo duyên dáng, nơi âm thanh của nhạc cụ, động tác múa, trang phục của đồng cốt và cử chỉ cúng dường hội tụ hài hòa trong một khung hình", kiến trúc sư Nguyễn Hà nói.
Thiết kế của kiến trúc sư công ty ARB đã tích hợp thêm các khối chức năng mới như chỗ ở, phòng trưng bày và nhà bếp xung quanh ngôi nhà cũ (nơi này hiện được dùng làm khu vực trưng bày hiện vật).
Dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo Mẫu, vốn là niềm tin cố hữu của người Việt qua nhiều thế hệ và trường tồn cho đến ngày nay.
Vì vậy, bảo tàng Đạo Mẫu không chỉ bảo tồn di sản kiến trúc mà còn duy trì gìn giữ "tấm thảm" văn hóa phong phú của người Việt thông qua việc tiếp nối các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Phụ nữ Việt Nam