Báo Thụy Sĩ: Việt Nam trở thành con hổ mới ở châu Á
Theo tờ Agefi của Thụy Sĩ, Việt Nam đang trở thành con hổ mới tại châu Á và là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy.
- 15-10-202210 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam?
- 12-10-2022BVSC Research dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%
- 11-10-2022Việt Nam cần có thêm các sân bay nhỏ để phát triển kinh tế địa phương?
Trong bối cảnh các thể chế tài chính quốc tế liên tiếp đưa ra các dự báo ảm đạm về kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên như là 1 điểm sáng. Đây là điểm đáng chú ý trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố.
Báo cáo của IMF cũng đã nhấn mạnh tăng trưởng GDP thực của Việt Nam được dự báo ở mức 7%, cao nhất trong Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á (ASEAN 5). Một trong các động lực cho tăng trưởng kinh tế chính là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nhận định của các chuyên gia, báo chí quốc tế tuần qua.
Theo báo cáo cập nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay thêm 1 điểm % so với dự báo hồi đầu năm. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Tờ Agefi của Thụy Sĩ nhận định Việt Nam đang trở thành con hổ mới tại châu Á và là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy, có vai trò quan trọng trong khu vực. Tờ báo đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực, được hỗ trợ bởi những nỗ lực của chính phủ như tự do hóa kinh tế và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo của IMF, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam được dự báo ở mức 7%. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở và hội nhập cao với các luồng thương mại thế giới. Trên thực tế, đây là một trong những nền kinh tế tích hợp cao nhất vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xu hướng này đã tăng lên và sâu sắc hơn trong vài thập kỷ qua. Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn dòng vốn FDI như dân số đông, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, triển vọng kinh tế tích cực... Vì vậy, khả năng tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu là cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều vốn FDI hơn nữa để tăng dấu ấn trong chuỗi giá trị toàn cầu", bà Era Dabla - Norris, Trưởng Đoàn giám sát của IMF về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, đánh giá.
Trang Delano của Luxembourg cho biết kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhờ chính sách mở cùng sức hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Trong khi đó, trang Thai Enquirer cũng nhận định Việt Nam đã vượt qua Thái Lan về thu hút vốn FDI trong khu vực ASEAN.
Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ cho biết Việt Nam đã chiếm một số thị phần xuất khẩu công nghệ khi thế giới đang "vẽ lại" bản đồ thương mại.
"Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại khu vực rất lớn như CP TPP, RCEP. Điều này đã mở ra những cơ hội, mang lại nhiều niềm tin cho các nhà đầu tư. Các tác động địa chính trị gần đây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã mang lại những cơ hội cho Việt Nam khi các tập đoàn chuyển dịch chuỗi cung ứng", ông Andrew Parker, Tham tán Thương mại bang New South Wales, Australia tại ASEAN, nhận định.
Theo bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 do Nikkei mới công bố, liên tiếp trong 4 tháng qua, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ phục hồi nhanh nhất, thành quả từ chiến dịch bao phủ vaccine, mở cửa đất nước. Nhờ đó, các thể chế tài chính quốc tế đều nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và toàn cầu.
VTV.VN