Bảo vật gần 2.500 năm khiến công nghệ hiện đại không thể làm giả hay tạo ra phiên bản
Cho đến nay, công nghệ hiện đại vẫn chưa thể tạo ra một phiên bản của bảo vật gần 2.500 năm này.
Trong quá trình khai quật khảo cổ, nhiều di vật văn hóa được tìm thấy. Tuy nhiên, do một số cổ vật quá quý giá và có khả năng vỡ, bị phá hủy khi lộ ra bên ngoài, do đó nhiều bảo tàng ở Trung Quốc đã chọn cách làm một cái tương tự (phiên bản). Đây được coi là một phương án thay thế nhằm bảo vệ di vật văn hóa quý hiếm và dễ bị hư hại.
Thế nhưng, có một di vật văn hóa cấu trúc bí ẩn và phức tạp đến nỗi ngay cả sử dụng công nghệ hiện đại cũng không thể bắt chước hay làm giả được. Bảo vật này chính là đế đặt trống (hay đế trống), được chế tạo cách đây gần 2.500 năm.
Đây là bảo vật được khai quật trong lăng mộ của Tăng Hầu Ất (477 TCN – 433 TCN), hay còn gọi là Cơ Ất, một vị quân chủ của nước Tăng (chư hầu của nhà Chu thời Chiến Quốc) tại thành phố Tùy Châu (thuộc tỉnh Hồ Bắc) vào năm 1978.
Vào thời điểm đó, sau nhiều tháng khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 15.000 di vật văn hóa, trong đó có tới 6.239 đồ đồng. Tất cả đều được chế tác từ thời Chiến Quốc.
Ngoài ra, bộ chuông đồng được tìm thấy trong lăng mộ của vua Tăng Hầu Ất được coi là bộ chuông đồng lớn nhất, hoàn chỉnh và tinh xảo nhất từng được tìm thấy trên thế giới.
Tuy nhiên, trong số các di vật được tìm thấy trong lăng mộ hơn 2.000 năm, có một bảo vật khiến các chuyên gia vô cùng kinh ngạc, đó chính là đế trống.
Trống là loại nhạc cụ phổ biến vào thời Chiến Quốc. Nhạc cụ này bao gồm ba phần: đế, giá đỡ và thân trống. Phần đế trống chính là bảo vật được tìm thấy trong lăng mộ của Tăng Hầu Ất.
Đế trống trong lặng mộ Tăng Hầu Ất cao 0,45 m, có đường kính đáy là 0,8 m và nặng 192,1 kg. Báu vật này trông cồng kềnh và có độ phức tạp rất lớn về kết cấu, được đánh giá là đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật luyện đồng thời cổ đại.
Đây là phần đế của loại trống trong lăng mộ Tăng Hầu Ất. Chất liệu của nó là đồng. Tuy nhiên, cổ vật này lại có hình dáng kỳ dị. Cụ thể, phần thân của đế trống này được cấu tạo gồm 8 cặp rồng lớn và một số rồng nhỏ. Những con rồng này được đúc đan xen với nhau, thậm chí còn được tô điểm bằng các viên ngọc lam quý giá.
Thoạt đầu, khi nhìn vào kết cấu này tuy hỗn loạn nhưng lại tạo cho người xem một cảm giác lạ lùng, sinh động. Rõ ràng nhìn vào người ra thấy có những con rồng được trang trí xung quanh đế trống. Tuy nhiên, vì chúng đan xen với nhau nên không ai biết trên báu vật này có bao nhiêu con rồng. Cho đến nay, các chuyên gia cũng không thể biết được đáp án chính xác.
Vì sao không thể làm giả bảo vật hơn 2.000 năm?
Theo Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, nơi hiện đang trưng bày đế trống hơn 2.000 năm tuổi này, một hôm nọ, có một người nước ngoài đến tham quan đế trống của Tăng Hầu Ất và đã nán lại trước tủ trưng bày cả ngày. Người đàn ông này đếm được 108 con rồng. Mặc dù con số này rất cao, nhưng thực tế số lượng rồng mà mỗi người đếm được từ những góc độ khác nhau lại cho ra đáp án khác nhau. Do đó, 108 con rồng không phải là đáp án chính xác. Cho đến nay, vẫn chưa có ai khẳng định chính xác về số lượng rồng ở trên báu vật quý hiếm này.
Theo các chuyên gia, đây cũng chính là một trong những điểm gây khó cho việc làm giả hoặc phục chế. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc từng mời nhiều đơn vị mạnh về sao chép bảo vật, nhưng ngay cả khi sử dụng những công nghệ hiện đại nhất, kết quả vẫn không thành công.
Bằng cách nào mà những người thợ thủ công cách đây hơn 2.000 năm có thể tạo ra những con rồng này một cách khéo léo như vậy, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Sau khi thảo luận, nghiên cứu, các chuyên gia về luyện kim đều cho rằng, quy trình đúc đồng vào thời Tăng Hầu Ất là phương pháp đúc sáp thời cổ. Phương pháp này được sử dụng để chế tác các đồ vật một cách tinh tế, vừa đòi hỏi độ chính xác, vừa cần có kỹ thuật rất cao.
Trên thực tế, dựa theo phương pháp này, Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc đã mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện việc mô phỏng, sao chép đế trống hơn 2.000 năm tuổi. Tuy nhiên, sau mỗi lần sao chép và đối chiếu với bản chính, tất cả đều không đạt yêu cầu. Các chuyên gia cho biết, những bản sao không thể hiện được sự huyền diệu của bảo vật gốc, âm thanh phát ra cũng không được sinh động.
Chính vì vậy, đế trống trong lăng mộ Tăng Hầu Ất có lẽ là bảo vật quốc gia độc đáo nhất về đồ đồng. Kỹ thuật và kết cấu đặc biệt của nó khiến ngay cả các chuyên gia hàng đầu cùng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay cũng phải "ngả mũ".
Phụ nữ Việt Nam