Bảo vệ quyền lợi người lao động, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng
Dây chuyền sản xuất tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN
Các tổ chức công đoàn tăng cường, chủ động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng.
- 18-07-2022Người giàu thích mua nhà chung cư hay nhà đất?
- 18-07-2022Số doanh nghiệp trên 1.000 dân của tỉnh, thành nào cao nhất cả nước?
- 17-07-20225 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm 2022
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò đại diện người lao động (NLĐ) trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu (LTT) vùng, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP quy định mức LTT đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2022.
Trước phản ánh của các cấp Công đoàn về việc một số doanh nghiệp (DN) dự kiến sẽ không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp (DN) cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc giữ lại tiền lương cho lao động đã qua đào tạo.
Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giai đoạn 1 với 696.948 sáng kiến, tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 10.000 tỉ đồng, thúc đẩy tinh thần lao động, sáng tạo trong công nhân viên chức – lao động (CNVC-LĐ), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn. Từ đầu năm đến nay, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển tăng thêm đoàn viên còn thấp, tình trạng "phát triển âm đoàn viên" diễn ra ở nhiều đơn vị; số đoàn viên giảm lớn, số đoàn viên tăng thêm chỉ đạt 31,7% chỉ tiêu của năm. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở một số đơn vị chưa kịp thời, số vụ ngừng việc tập thể tăng, 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, có một số vụ ngừng việc kéo dài.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu những tháng cuối năm, các cấp Công đoàn cần thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền LTT vùng, hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực đến quan hệ lao động. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đoàn viên, NLĐ, nhất là tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, để tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách kịp thời; tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của NLĐ, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động…
Bên cạnh đó, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng DN ngoài khu vực nhà nước, với quyết tâm cao và nỗ lực thực hiện, 2/3 chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt. Số ban nữ công quần chúng hiện nay là 74.833 (so với đầu nhiệm kỳ tăng 4.529 đơn vị). Tỉ lệ DN ngoài khu vực nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã đạt 80% (vượt chỉ tiêu 20%); 100% ban nữ công quần chúng DN ngoài khu vực nhà nước đăng ký với ban chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức ít nhất 1 hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho lao động nữ và thực hiện ít nhất 1 hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của nữ đoàn viên tại đơn vị...
Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng hoạt động ban nữ công ở nhiều Công đoàn cơ sở còn hạn chế; hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của nữ đoàn viên Công đoàn của ban nữ công quần chúng chưa thật sự có hiệu quả, còn mang tính phong trào.
Báo tin tức