MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bấp bênh 'thủ phủ' điều Bình Phước

22-03-2017 - 13:49 PM | Thị trường

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2017 cả nước có kế hoạch xuất khẩu 360 nghìn tấn điều nhân, đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, sản lượng điều thô trong nước mới đáp ứng 400.000 tấn; trong khi lệ thuộc vào nhập nguyên liệu thô lên đến 1,1 triệu tấn.

Hiện riêng tại “thủ phủ” điều Bình Phước có 286 doanh nghiệp và 328 cơ sở nhỏ lẻ chế biến hạt điều đang hoạt động với công suất khoảng 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tổng sản lượng hạt điều của Bình Phước dự kiến chỉ 150.000 tấn. Số điều chế biến xuất khẩu phải lệ thuộc khá lớn hạt điều thô nhập khẩu. Sự bất cập này được cho là quá bấp bênh cho ngành chế biến số một của Bình Phước chưa thực sự bền vững.

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu với các dòng sản phẩm đơn giản như rang muối, sấy khô, trong khi đó, nhiều đơn vị chưa đa dạng sản phẩm để thích ứng với thị trường xuất khẩu khó tính. Đây là thiệt thòi lớn cho “thủ phủ” điều Bình Phước.


Ngành chế biến điều tại Bình Phước được đánh giá chưa thực sự bền vững. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngành chế biến điều tại Bình Phước được đánh giá chưa thực sự bền vững. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay chủ yếu là sản xuất bán thành phẩm, doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đủ vốn, không đủ nhân lực để chế biến đến sản phẩm cuối cùng. Để vượt qua khó khăn này, nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng và đưa cây điều thành cây rừng phòng hộ vừa tạo rừng vừa tạo nguyên liệu ổn định sản xuất.

Làm việc với các nhà chế biến điều, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi băn khoăn khi cho rằng, tỉnh mệnh danh “thủ phủ” của cả nước về điều nhưng quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì cần phải xem xét lại toàn diện ngành điều của tỉnh. Về giải pháp lâu dài, tỉnh cần đẩy mạnh mục tiêu quy hoạch diện tích vùng chuyên canh cây điều lên 200.000 ha. Đồng thời, cải tạo các vườn điều già cỗi thay thế cây điều lai giống cho sản lượng cao.

Theo ghi nhận mùa vụ mới 2017, sản lượng điều thu hoạch trên địa bàn tỉnh bất ngờ giảm sút trầm trọng. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, mưa trái mùa, sương muối, phát sinh bọ xít muỗi tấn công đã làm mất trắng phần lớn diện tích điều của bà con nông dân tại nhiều huyện, thị trong tỉnh.

Cao điểm, mới đây các cơ quan chức năng sau khi khảo sát tại vùng chuyên canh điều tại huyện Bù Gia Mập đánh giá sản lượng điều năm nay ở “thủ phủ” này giảm sút mạnh trên 50%. Đến nay, tuy nhiều diện tích điều chưa thu hoạch xong nhưng theo các nhà vườn thiệt hại nặng do mưa trái mùa và sương muối khiến hàng chục nghìn ha điều không đậu trái hoặc có trái nhưng bị nạn bọ xít muỗi tấn công làm khô héo hư hại trái dẫn đến mất mùa.

Riêng nhà nông Huỳnh Thanh Tuấn ở thô 3, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có trên 1ha đất canh tác về cây điều, đây là nguồn sống nuôi cả gia đình 5 người. Thế nhưng, anh Tuấn cho biết, năm nay vườn điều 1ha chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn hạt điều với giá thu mua tại vườn 46.000 đồng/kg nên gia đình chỉ có thu nhập được 46 triệu đồng (chưa trừ chi phí phân bón và công chăm sóc).

Nhiều diện tích điều bị mất mùa phần lớn rơi vào những hộ là bà con dân tộc thiểu số; hộ dân ít có thời gian chăm sóc vườn cây để có cách ứng phó thời tiết xấu. Mặt khác, người nông dân chưa nắm vững kỹ thuật cũng như phương pháp xua đuổi loại trừ nạn bọ xít, ứng phó sương muối như phun xịt làm mát cây khiến nhiều diện tích điều không đậu được trái. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng cứ được giá là mất mùa và ngược lại khiến nhiều hộ nghèo chưa thể thoát nghèo bền vững từ cây điều vốn được cho là cây xóa nghèo rất tốt ở vùng đất Bình Phước.

Hiện Hợp tác xã kiểu mới Phú Văn (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) đã canh tác điều xen cây ca cao trồng dưới tán cây điều được dùng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước đã mở ra hướng phát triển bền vững cho mô hình sản xuất mới, gia tăng giá trị trên diện tích đất. Theo tính toán của Hợp tác xã kiểu mới Phú Văn (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập), 1 ha điều cho thu nhập bình quân 150 triệu/ha, cộng thêm 60 - 70 triệu thu nhập từ cây ca cao, góp phần nhân đôi mức thu nhập trên 1h đất đạt trên 200 triệu đồng/năm. Đây là mô hình mới được tỉnh Bình Phước khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.

Được thành lập từ tháng 12/2016, đến nay Hợp tác xã kiểu mới Phú Văn đã mở rộng lên 71 thành viên tham gia với diện tích đất đưa vào canh tác là 71 ha đất sản xuất, trong đó có trên 50% diện tích ca cao xen cây điều. Nhờ mô hình xen canh này mà thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã trong những năm qua đạt khá cao.

Nhằm khuyến khích mô hình hợp tác xã kiểu mới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định “nóng” hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước cho mỗi ha đất của các thành viên hợp tác xã đưa vào canh tác điều xen ca cao từ 10-20 triệu đồng. Theo đó, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân còn khó khăn. Mô hình tưới nhỏ giọt được cho là giải pháp chủ động ứng phó chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước để thúc đẩy mở rộng diện tích điều ngày càng phát triển bền vững trên vùng chuyên canh cây điều của “thủ phủ” tỉnh này.

Theo Dương Chí Tưởng

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên