Basel II giải pháp quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế
Hiện tại, trong 10 NHTM được NHNN thí điểm vẫn chưa nhà băng nào công bố hoàn tất việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, trừ OCB là ngoại lệ khi sớm triển khai Basel II vào cuối năm 2017.
Nâng tầm quản trị rủi ro
Một trong những yêu cầu khắt khe với các ngân hàng hiện nay là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về quản lý rủi ro và an toàn không chỉ theo chuẩn của Việt Nam mà phải là chuẩn quốc tế, cụ thể là Basel II. Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lựa chọn ra 10 ngân hàng để cho áp dụng thí điểm chuẩn này bao gồm Vietcombank, VietinBank, VPBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB Maritime Bank và VIB. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhà băng nào công bố áp dụng thành công, ngoại trừ OCB không nằm trong danh sách trên lại có thông báo họ là người đầu tiên thành công với Basel II vào cuối 2017.
Tại OCB, Basel II đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính Ngân hàng, mà các khách hàng và cổ đông cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh.
Thực tế, Basel II không chỉ giúp ngân hàng giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Hơn hết, càng về đích sớm thì càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn… Vì vậy, triển khai tiến tới áp dụng các chuẩn mực của Basel II là một thách thức rất lớn, không chỉ OCB, mà với tất cả các ngân hàng tại Việt Nam.
Được tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao
Theo lãnh đạo OCB, xác định quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới. Chính việc ý thức được tầm quan trọng trong quản lý rủi ro nên OCB được các tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao trong quản lý rủi ro.
Tháng 8/2018, Moody’s thực hiện nâng bậc đối với xếp hạng Rủi ro đối tác dài hạn và đánh giá rủi ro đối tác từ B2 lên B1. Chỉ số này phản ánh năng lực và uy tín của OCB trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các đối tác. Điều này giúp OCB khẳng định niềm tin bền vững, tạo sự an tâm và bảo đảm cho khách hàng. Không những thế, ngày 30/10 vừa qua, Moody’s tiếp tục tăng bậc đối với đánh giá tín dụng cơ sở (BCA); xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành, OCB được tăng lên hạng B1.
OCB hiện đang là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng với các chỉ số tương đối cao trước thềm niên yết trên sàn HOSE dự kiến cuối năm nay…
Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của OCB tăng 133% so với cùng kỳ, nhờ vào tăng trưởng quy mô và thu thuần ngoài lãi ở các hoạt động chính như:lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 210 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 100 tỷ đồng, tăng 197%; mua bán chứng khoán đầu tư lãi đột biến tới 825 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.
OCB đang quá trình tập trung thực thi chiến lược phát triển giai đoạn 2015 – 2020, mở rộng mạng lưới giao dịch, tăng năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động quản lý rủi ro... Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của OCB đạt 86.459 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,4% đạt 54.559 tỷ đồng trong khi huy động tiền gửi của khách hàng tăng 17,2% đạt 70.544 tỷ đồng. Cùng với việc thu nhập hoạt động các mảng kinh doanh tăng mạnh, OCB chi nhiều hơn cho chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 43% lên 1.342 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp rưỡi lên 548 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.
Có thể thấy, OCB đang từng bước vận hành thành công các chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chuyên gia tài chính cho rằng, triển khai Basel II giúp ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh, nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn nên sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan, bền vững hơn. Sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa.