MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bắt bệnh" nguyên nhân khiến CPI lên mức cao nhất trong 16 tháng qua

Thông tin chỉ số CPI lên mức cao nhất trong 16 tháng qua được cho là từ giá heo hơi và giá điện, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa phải lý do chính.

Chỉ số giá tiêu dùng cao nhất kể từ tháng 1/2023

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,44% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức 4,4% của tháng 4 nhưng đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao trong tháng 5 được cho là do giá thịt heo và giá điện tăng. Tổng cục Thống kê giải thích rằng giá thịt heo tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả heo châu Phi cuối năm 2023, trong khi giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng.

Người tiêu dùng mua trái cây tại Siêu thị Co.opmart Hà Nội

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số CPI tính bình quân tháng 5/2024 lên mức 4,44%, thực tế, chỉ số này tương đối cao trong nhiều tháng trở lại đây.

Bình luận về nguyên nhân khiến chỉ số CPI tăng cao, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá cả hàng hóa trên thế giới đều tăng, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu, trong đó, có các mặt hàng đang tăng rất cao trên thị trường thế giới.

Giá vàng và tỷ giá hiệu ứng “bình thông nhau”. Ví dụ như giá vàng tăng cao trong suốt thời gian qua, đã tác động lên yếu tố tâm lý của người dân. Điều này tạo sức ép lên tỷ giá USD trên thị trường chợ đen rất lớn và điều này gây sức ép lên giá USD tại thị trường chính thức.

Bên cạnh đó, tỷ giá trong nước chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước đó; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.

Cùng với giá vàng, giá xăng dầu thế giới tăng kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng, chi phí giao thông, vé máy bay, giá thuê nhà cũng tăng theo.

Lạm phát vẫn duy trì trên mức 4% trong tháng thứ hai liên tiếp, ngay cả khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tháng này, làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng tỷ lệ mua lại ngược lên 4,5% nhằm ổn định tiền đồng và có thể tăng lãi suất chuẩn để hỗ trợ đồng tiền.

“Mặc dù những động thái của Ngân hàng Nhà nước đã kéo chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước. Như vậy, có thể thấy, nói về vấn đề tỷ giá, chúng ta không quá đáng lo ngại. Nhưng rõ ràng, có lúc tỷ giá tăng lên mức quá cao sẽ làm cho giá cả của một số mặt hàng, nhất là mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên trong thời gian vừa qua”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, mặc dù chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã kéo Chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước, tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2024, tỷ giá có sự điều chỉnh. Với những doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thì thanh toán theo ngày, theo giờ chứ không phải thanh toán trong 1 thời gian dài. Do đó, họ phải tính toán mức tăng này vào giá hàng hóa sản xuất.

Giá heo có là nguyên nhân đẩy chỉ số CPI?

Trở lại vấn đề giá heo hơi là một trong những nguyên nhân đẩy Chỉ số CPI tăng trong tháng 5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam – thông tin, thị trường thịt heo năm 2023 cực kỳ khó khăn do dịch tả heo châu Phi hoành hành, các doanh nghiệp kinh doanh gần như thu lỗ, rất ít doanh nghiệp có lãi, nếu có lãi thì cũng rất mỏng.

Giá heo có là nguyên nhân đẩy chỉ số CPI

BaF là đơn vị kiểm soát an toàn dịch bệnh và giữ được đàn heo nái tốt nhất nhưng thu được lợi nhuận rất mỏng do giá heo hơi quá thấp. Cộng với bức tranh của xung đột kinh tế thế giới, cùng với các vấn đề liên quan đến hậu Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm cho giá nông sản thế giới tăng rất mạnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng. Trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành chăn nuôi làm cho giá thành chăn nuôi rất cao.

Dịch tả heo châu Phi vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt khiến dịch bệnh tại khu vực này rất nghiêm trọng, làm cho đàn heo, đặc biệt là đàn heo nái giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc tái đàn trong tương lai.

Do đó, từ cuối quý I/2024 đến nay, giá heo hơi có tăng lên, nhưng mức tăng này chưa đáng kể gì so với nhưng tổn hại mà người chăn nuôi và doanh nghiệp phải gánh chịu trong cả năm 2023, nếu có được một chút tăng giá thì cũng chỉ bù đắp được một phần lỗ của năm 2023. Chúng tôi cũng kỳ vọng, giá heo hơi sẽ bình ổn ở mức này để người chăn nuôi lấy được những gì đã mất trong năm 2023.

Ông Trương Sỹ Bá cho rằng, nếu giá heo hơi lên mức 90.000 – 100.000 đồng/kg như năm 2020 thì sẽ tác động lớn. Nhưng với giá heo hơi hiện nay trung bình ở mức 68.000 đồng/kg, ông Trương Sỹ Bá nhận định là chưa tác động lên chỉ số CPI.

Dữ liệu công bố cùng ngày cho thấy xuất khẩu tăng 15,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 29,9%. Điều này dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt 1 tỷ USD trong tháng, từ mức thặng dư 680 triệu USD của tháng trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI gia tăng, áp lực lạm phát đang trở thành một nỗi lo của nền kinh tế, nhất là khi áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất).

Rõ ràng, việc ghi nhận đúng và đầy đủ các nguyên nhân từ đó theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời là hết sức quan trọng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế (GDP) cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Từ đó, đáp ứng được cả 3 mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

CPI tháng 5/2024 dù chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, nhưng lại tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mức tăng là 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm (4-4,5%) và có xu hướng tăng qua từng tháng. Nếu CPI tháng 1/2024 tăng 3,77%, thì 2 tháng tăng 3,67%; 3 tháng tăng 3,77%; 4 tháng tăng 3,93%; và bây giờ - 5 tháng, tăng 4,03%.


Theo Nguyễn Hạnh

Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên