Bất cập trong quản trị đất đai
Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm… là những lý do thường được đưa ra đối với sai phạm liên quan đến quản lý đất đai ở các địa phương.
- 13-07-2023Khi Đông Anh thành quận: Không để xảy ra vi phạm về đất đai
- 12-07-2023Kiến nghị giao công an điều tra vi phạm quy định về quản lý đất đai của lãnh đạo UBND xã Di Trạch
- 30-06-2023Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000 ha đất đô thị
Dữ liệu khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua các năm cho thấy: công tác quản trị đất đai tại các địa phương còn rất nhiều vấn đề đáng quan ngại, khi các Điểm chỉ số thành phần nàycó xu hướng đi xuống qua nhiều năm.
Có một nghịch lý đang tồn tại, đó là doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thì không hoàn thành các thủ tục theo quy định, xảy ra các sai phạm nghiêm trọng; Doanh nghiệp muốn thực hiện đúng quy định thì mãi không làm xong thủ tục.
Chưa thực hiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, tuy nhiên trong 3 năm liền, gần 680 căn biệt thự cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồ sộ đã được Công ty cổ phần Đầu tư LDG xây dựng trái phép, cùng với đó là ký hợp đồng mua bán nhà với 60 khách hàng, tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng. Hàng loạt sai phạm trong nhiều năm chỉ bị phát hiện khi có đơn thư của người dân mà không phải là từ cơ quan chức năng.
Chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương là kết luận được Thanh tra tỉnh Đồng Nai nêu ra, nhưng có lẽ đó vẫn chưa phải là câu trả lời thoả đáng về bản chất sâu xa của những sai phạm liên quan đến dự án này.
Thực tế hiện nay không ít doanh nghiệp muốn và có năng lực thực hiện đúng quy định thì lại rất khó khăn trong khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đánh giá từ góc nhìn kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra sai phạm là quản trị đất đai kém hiệu quả, để đất đai không được khai thác cũng là quản trị đất đai còn hạn chế. Khi các cơ chế về hành lang pháp lý, công tác giám sát, thông tin công khai minh bạch phải vận hành đồng thời thì việc khai thác nguồn lực đất đai cho hoạt động kinh doanh sản xuất mới thực sự hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Quản trị về mặt đất đai của chúng ta chưa thực sự tốt, quản trị ở đây có nghĩa là phải có đầy đủ thông tin liên quan công khai minh bạch, thông tin về quy hoạch, về thủ tục, về cơ quan về trình tự để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và những chủ thể có liên quan đều biết hồ sơ trình tự ra sao, ai chịu trách nhiệm, quy hoạch đất đai định hướng phải rõ".
TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, nói: "Xác định ba chỉ tiêu đất đai phát triển như thế nào, kinh tế phát triển ra làm sao và môi trường tác động như thế nào thì lúc đấy mới xác định được các thông số này đều có công thức tính toán, từ công thức đấy mới tính được như vậy địa phương này có sử dụng hiệu quả đất đai hay không. Chúng ta mới nói chứ chúng ta chưa có cơ sở khoa học nào để đánh giá thế nào là sử dụng hiệu quả".
Chờ đợi là mất cơ hội, chờ đợi là lãng phí nguồn lực đã đầu tư, chờ đợi là chịu áp lực nguồn vốn...., đó là những hệ quả mà các doanh nghiệp sẽ gặp phải nếu như việc khai thác nguồn lực từ đất đai không được các cơ quan chức năng thực hiện đúng thời gian quy định.
VTV.VN