MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp biến động của kinh tế toàn cầu, đây là lý do khiến Việt Nam được tin tưởng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định

Đánh giá mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết nền kinh tế trong nước đã và đang hội tụ những điều kiện để vượt qua bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

VDSC cho biết việc tăng trưởng GDP Singapore, chỉ báo của hoạt động thương mại, sụt giảm gần đây không chỉ phản ánh hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại mà còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu.

Các cuộc khảo sát chỉ ra góc nhìn tương đối bi quan và cẩn trọng của khu vực doanh nghiệp với bối cảnh kinh tế và kế hoạch mở rộng đầu tư sắp tới của họ. Do đó, việc gia tăng tầm quan trọng của "bàn tay hữu hình có thể là một điều tốt.

Điều này hàm ý sự phối hợp của "bàn tay" tài chính và tiền tệ theo hướng hỗ trợ trong bối cảnh khả năng lãi suất đã dần tới giới hạn. Sự kết hợp trên không phổ biến trong lịch sử và gợi lại chiến lược "tiền trực thăng" được đề xuất bởi cựu chủ tịch FED Ben Bernanke năm 2002.

Theo chính sách này, việc cắt giảm thuế trên diện rộng, chẳng hạn, được hỗ trợ bởi một chương trình mua tài sản trên thị trường nhằm giảm bớt mọi xu hướng tăng lãi suất, gần như sẽ là một động lực đối với tiêu dùng và tăng giá cả. Ngay cả khi các hộ gia đình quyết định không tăng tiêu dùng mà thay vào đó tái cân bằng danh mục bằng cách sử dụng thêm tiền mặt để sở hữu thêm tài sản thực và tài chính. Kết quả của việc tăng giá trị tài sản sẽ làm giảm chi phí vốn và cải thiện tình hình bảng cân đối kế toán riêng của người vay tiềm năng. Tài trợ giảm thuế bằng cách cung tiền tương tự như khái niệm "tiền trực thăng".

Trong khi đó, chuyển hướng và củng cố lại vai trò của chính sách tài khóa trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu là cần thiết khi các chi phí vay của Chính phủ đã giảm và lãi suất ít hỗ trợ cho nền kinh tế hơn so với trước đây. Chính phủ nên tập trung vào các dự án đầu tư thay vì các khoản chi tiêu khác. Trong những trường hợp này, chính sách tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo cùng một định hướng để kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng tồn tại song song cả hạn chế và lợi ích với chính sách này. Một mặt, việc nới lỏng các chính sách tài khóa về cơ bản cần thời gian ngắn hơn để ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Kết quả là, trong ngắn hạn, điều đó làm cho một nền kinh tế tăng nóng, đẩy lạm phát vượt quá mục tiêu dự định của nó.

Mặt khác, chi tiêu tài khóa không được kiểm soát có thể làm tổn hại đến uy tín của chính phủ và ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn. Do đó, tác động lên một quốc gia riêng lẻ sẽ phụ thuộc vào khả năng phản ứng của nó. Sự phối hợp độc đáo cần được thực hiện một cách cẩn thận và có chiến lược cho"lối thoát".

Trong trường hợp của Việt Nam, VDSC Chính phủ trong nhiều năm đã thiết lập một hoạch định tài chính được cân nhắc kỹ lưỡng để đối phó với sự chững lại trong tương lai. Báo cáo cập nhật mới nhất cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam giảm xuống 58,4%, thấp hơn mức cao nhất 63,7% trong năm 2016.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thận trọng hơn trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn. Tuy nhiên, VDSC cho rằng có những lý do để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua khó khăn. Chính phủ đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch thoái vốn ban đầu về mặt giá trị trong khi luật mới về đầu tư công sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020.  

Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại. Lãi suất thực vẫn dương trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ đã bắt đầu có xu hướng giảm lại.

Những phân tích này khiến cho VDSC nhận định: nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên