Bất chấp cấm vận, kinh doanh tại Nga sinh lời "khủng": Phương Tây kiếm hàng trăm tỷ USD chỉ trong 1 năm
Theo tờ Politico, một báo cáo của nhóm bảo trợ xã hội dân sự B4Ukraine và Trường Kinh tế Kyiv cho thấy, các công ty đa quốc gia lớn chọn ở lại Nga từ sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát đã kiếm được 214 tỷ USD doanh thu và nộp 3,5 tỷ USD tiền thuế tại Nga.
- 11-07-2023Phát hiện nhiều mỏ “vàng” dưới băng tuyết, Nga và Trung Quốc “nhấp nhổm”, các tỷ phú hàng đầu cũng không chịu đứng ngoài cuộc
- 11-07-2023Wagner từng tiến quân đến kho dự trữ hạt nhân của Nga?
- 11-07-2023Một hạm đội "tàu ma" chuyên chở dầu Nga biến mất đầy bí ẩn
Sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và phương Tây đã áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trong bối cảnh đó, hàng chục công ty đa quốc gia đã rút khỏi Nga để bảo vệ hoạt động kinh doanh của họ, nhưng vẫn có những công ty chọn cách ở lại.
The Business of Stay - một báo cáo của nhóm bảo trợ xã hội dân sự B4Ukraine và Trường Kinh tế Kyiv - cho thấy, các công ty đa quốc gia đã có doanh thu 214 tỷ USD trong năm 2022 chỉ từ các hoạt động kinh doanh tại Nga của họ, và trả 3,5 tỷ USD tiền thuế cho chính phủ Nga.
Nhưng bản báo cáo nhận định, những con số về doanh thu đó “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và có thể là tổng số trên hóa đơn thuế đã được điều chỉnh giảm đáng kể” , bởi vì các khoản thuế trả cho lương của nhân viên hoặc dưới dạng VAT đã không được tính đến.
Hoạt động kinh doanh tại Nga cực kỳ sinh lời
Bất chấp những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm doanh thu của Điện Kremlin bằng cách thông qua 11 gói trừng phạt kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát, "số liệu mới này tiết lộ rằng, việc kinh doanh tại Nga đã cực kỳ sinh lời cho một số công ty chọn ở lại" , bản báo cáo viết.
Theo bản báo cáo, trong khi phần lớn doanh thu đến từ các công ty có trụ sở tại Mỹ, các công ty có trụ sở tại EU vẫn kiếm được khoảng 75,2 tỷ USD vào năm 2022, nộp cho chính phủ Nga gần 600 triệu USD tiền thuế.
Báo cáo cho thấy, công ty thuốc lá Philip Morris của Mỹ đã kiếm được nhiều tiền nhất vào năm ngoái, ở mức 7,9 tỷ USD, và đã nộp 206 triệu USD tiền thuế lợi nhuận cho Chính phủ Nga.
Theo sát phía sau là đối thủ cạnh tranh Japan Tobacco International (JTI), kiếm được khoảng 7,4 tỷ euro doanh thu. Người phát ngôn của JTI cho biết, JT Group đã đình chỉ các hoạt động tiếp thị và đầu tư mới ở Nga, nhưng công ty vẫn tiếp tục sản xuất và phân phối sản phẩm ở Nga. Người phát ngôn cũng nói rằng: “Môi trường kinh doanh vẫn còn rất nhiều thách thức.”
Người phát ngôn cho biết thêm: “Trong những trường hợp này, JT Group tiếp tục đưa ra các quyết định cần thiết để thích ứng với tình hình đang thay đổi, tuân thủ các quy định hiện hành và các lệnh trừng phạt quốc tế” , đồng thời cho biết thêm rằng thị trường Nga đã tạo ra doanh thu khoảng 2 tỷ USD vào năm 2022 cho JT Group, tương đương 11 % doanh thu hợp nhất của công ty trong năm ngoái.
Theo bản báo cáo The Business of Stay, một cái tên nổi bật khác trong danh mục doanh thu là gã khổng lồ thực phẩm Danone của Pháp, với doanh thu khoảng 3 tỷ USD.
Đáp lại yêu cầu bình luận của tờ Politico, Danone đã bác bỏ con số này, khi chỉ ra trong báo cáo hàng năm của họ rằng, doanh thu ròng từ Nga vào năm 2022 đạt tổng cộng 1,39 tỷ euro.
Mặc dù một nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế Kyiv nhấn mạnh rằng, Danone kiểm soát hai pháp nhân tại Nga, cùng nhau tạo ra doanh thu ròng hơn 3 tỷ euro; nhưng Danone đã không bình luận về nhận định đó.
Bản báo cáo cũng cho thấy, Pepsi kiếm được khoảng 4,6 tỷ USD trong năm 2022. Pepsi đã từ chối yêu cầu bình luận của tờ Politico về vấn đề này.
Nhịp sống thị trường