MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát, các nhà đầu tư vẫn lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán

06-05-2022 - 11:43 AM | Tài chính quốc tế

Bất chấp căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát, các nhà đầu tư vẫn lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán

Các nhà đầu tư dù lo ngại tác động của căng thẳng ở Ukraine đối với nền kinh tế và lạm phát gia tăng, nhưng vẫn chưa điều chỉnh danh mục đầu tư của mình.

Cuộc khảo sát hàng quý của UBS, công ty quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu, đồng thời là ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp hàng đầu ở Thụy Sĩ, đã thăm dò ý kiến ​​của hơn 2.500 nhà đầu tư và 1.000 chủ doanh nghiệp tại 14 thị trường trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, 92% trong số các nhà đầu tư dự đoán mâu thuẫn Nga - Ukraine sẽ làm gia tăng lạm phát và hơn một nửa tin rằng lạm phát có thể kéo dài hơn 12 tháng. UBS cho rằng, lạm phát đang là mối quan tâm cấp bách nhất đối với các nhà đầu tư.

Các số liệu mới đã nhấn mạnh tình hình lạm phát nghiêm trọng như thế nào. Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris cho thấy giá tiêu dùng trong khu vực OECD đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3/2022, so với 7,8% vào tháng 2 và chỉ 2,4% vào tháng 3/2021. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/1988.

Hầu hết các nhà đầu tư đều thấy trước tác động kinh tế tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị. 66% dự đoán giá năng lượng cao hơn, 64% nghĩ rằng sẽ có thêm bất ổn toàn cầu và 60% lo ngại về các cuộc tấn công mạng gia tăng, UBS cho biết trong một thông báo.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát, các nhà đầu tư vẫn lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Nhóm cho biết thêm, mặc dù các nhà đầu tư vẫn chưa điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, nhưng họ đã sẵn sàng cho việc này nếu thị trường tiếp tục suy giảm. Nhiều người hiện có xu hướng xem xét mua vàng, dự trữ trong nước và dầu mỏ, trong khi công nghệ và năng lượng vẫn là những lĩnh vực hấp dẫn nhất trong môi trường thị trường hiện tại.

Các nguyên nhân khiến chủ doanh nghiệp lo ngại bắt nguồn từ bất ổn địa chính trị làm chi phí nguyên vật liệu, thuế, các quy định gia tăng và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Kết quả là niềm tin vào các doanh nghiệp của chính họ trong 12 tháng tiếp theo đã giảm 11%.

"Các nhà đầu tư trên toàn cầu rõ ràng đang lo ngại về những tác động cá nhân và kinh tế của một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong nhiều thập kỷ", Iqbal Khan, chủ tịch UBS Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, đồng thời là đồng chủ tịch của UBS Global Wealth Management, cho biết. Ông nói thêm: "Khó có thể đánh giá tác động kinh tế lâu dài của căng thẳng ở Ukraine, nhưng hầu hết các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán và tin tưởng vào danh mục đầu tư đa dạng của họ.

Khảo sát khu vực

Tại Mỹ, sự lạc quan của nhà đầu tư trong ngắn hạn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán đã tăng nhẹ 4% kể từ quý trước, đạt 58%, UBS cho biết. Nhưng kế hoạch đầu tư thêm trong sáu tháng tới giảm 3% xuống 33%. Rủi ro địa chính trị được coi là mối quan tâm hàng đầu, tiếp theo là lạm phát.

Tại Mỹ Latinh, sự lạc quan trong ngắn hạn đã tăng 2% trong quý này lên 60%, với 61% các nhà đầu tư đặt niềm tin vào triển vọng cổ phiếu trong khu vực của họ. UBS cho biết thêm hơn một nửa trong số những người được khảo sát có kế hoạch đầu tư nhiều hơn trong sáu tháng tới.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát, các nhà đầu tư vẫn lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Trên toàn châu Âu, ngoại trừ Thụy Sĩ, chỉ hơn 2/3 nhà đầu tư được khảo sát vẫn có cái nhìn tích cực về nền kinh tế của họ trong tương lai gần. Nhưng sự lạc quan liên quan đến triển vọng đối với các cổ phiếu trong khu vực của họ giảm 4% xuống 63%, nhóm cho biết.

Tại Thụy Sĩ, niềm tin vào triển vọng nền kinh tế Thụy Sĩ trong ngắn hạn đã quay trở lại mức năm 2020, với chỉ 33% nhà đầu tư trong quý này, trong khi quý trước là 68%, nhóm cho biết. Kế hoạch đầu tư trong sáu tháng tới cũng đã giảm, với chỉ 24% có kế hoạch đầu tư, giảm 6% so với quý trước.

Tại châu Á, các nhà đầu tư vẫn rất tự tin về triển vọng chứng khoán trong khu vực của họ, cũng như nền kinh tế nói chung trong 6 tháng tới. UBS cho biết số những người có kế hoạch đầu tư nhiều hơn trong sáu tháng tới đã giảm nhẹ 2%. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn là mối quan tâm của không chỉ nhiều người ở Trung Quốc mà còn lan rộng ra khắp Châu Á - Thái Bình Dương.

https://cafef.vn/bat-chap-cang-thang-dia-chinh-tri-lo-ngai-lam-phat-cac-nha-dau-tu-van-lac-quan-voi-trien-vong-cua-thi-truong-chung-khoan-20220506055810586.chn

Linh Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên