Bất chấp COVID-19, đây là những doanh nghiệp thuộc Vietnam Airlines Group vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng, ROE ba chữ số
ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ) của TCS đạt 459%, của TECS Express đạt 177%, và tại Vinako 298%.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 khiến ngành hàng không thiệt hại nặng nề. Báo cáo thường niên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa được công bố cho thấy không chỉ công ty mẹ mà hầu hết các đơn vị thành viên trong Vietnam Airlines Group đều thể hiện bộ mặt u ám. Tuy nhiên, vẫn có những công ty được xem là "may mắn hơn", kết quả kinh doanh của họ được duy trì ổn định và lợi nhuận đem về hàng trăm tỷ đồng.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo – NCTS) hoạt động trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp, Vietnam Airlines sở hữu 55,13%.
Trong năm vừa rồi, công ty đạt tổng doanh thu 697 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng, tỷ suất ROE 79%. Doanh thu của NCTS chỉ giảm 4% và lợi nhuận trước thuế giảm 7% so với năm 2019.
Nội Bài Cargo là công ty cổ phần niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Trong quý 1/2021, công ty này đạt doanh thu thuần 166 tỷ đồng, tăng 5%; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng, giảm 2,5%.
Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa cho các chuyến bay quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vietnam Airlines sở hữu 55%.
Ảnh hưởng của đại dịch khiến các hãng hàng không liên tục thay đổi, hủy chuyến, điều chỉnh lịch bay. TCS cho biết liên tục cập nhật cũng như đáp ứng những yêu cầu phục vụ đặc biệt từ khách hàng.
Năm vừa rồi, TCS đạt tổng doanh thu 861 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 538 tỷ đồng, tỷ suất ROE rất cao 459%. Năm 2019 khi điều kiện thị trường thuận lợi, TCS đạt doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng, và ROE 498%.
Ngoài Vietnam Airlines, các cổ đông của TCS còn có CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), SATS và VinaCapital.
Công ty TNHH Dịch vụ Giao nhận Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TECS Express) do Vietnam Airlines nắm 51% hoạt động chủ yếu gồm khai thác xử lý hàng hóa, chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, logistics, khai thuê hải quan, kho bãi… ghi nhận doanh thu 307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, ROE đạt 177%.
Doanh thu giảm nhẹ nhưng lợi nhuận là ấn tượng hơn so với năm 2019 (lần lượt 310,5 tỷ đồng và 97,2 tỷ đồng, ROE 146%).
Năm 2020, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh hàng không tăng mạnh, chủ yếu là các mặt hàng thiết bị y tế. Tuy nhiên, hoạt động giao nhận hàng hóa bằng đường hàng không bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch bệnh.
Một trường hợp ấn tượng khác thuộc về Công ty TNHH Giao nhận Hàng hóa Vinako, công ty giao nhận hàng hóa truyền thống trên các chuyến bay thương mại do Vietnam Airlines sở hữu trên 65%.
Hoạt động kinh doanh của Vinako, đặc biệt là hàng xuất quốc tế bị ảnh hưởng lớn từ việc đóng cửa các đường bay quốc tế. Tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn, công ty đã tham gia hình thức thuê chuyến bay hàng hóa của Vietnam Airlines, tham gia giao nhận các loại hàng hóa thiết yếu hàng gấp, hàng cứu trợ, hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế đi thị trường Nhật Bản trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.
Kết quả kinh doanh năm 2020 của Vinako vì thế đạt mức cao, lợi nhuận trước thuế 33 tỷ đồng, ROE đạt gần 298%. Năm 2019 công ty này chỉ lãi 12,2 tỷ đồng.
Vinako có một cổ đông khác là Tập đoàn Konoike - Nhật Bản.
Nhịp sống kinh tế