MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp COVID-19, FDI vẫn 'chảy' vào Việt Nam: Điểm đến an toàn

Việt Nam đang được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và quyết tâm chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia.

Các điểm sáng

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, cho biết, trong 8 tháng của năm 2020, TPHCM thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 2,61 tỷ USD. Bà Mai khẳng định, TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư. UBND TPHCM đã giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan để thảo luận, tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Đồng thời, khai thác chương trình chuyển đổi số, phát huy hiệu quả các dịch vụ trực tuyến công.

Bất chấp COVID-19, FDI vẫn chảy vào Việt Nam: Điểm đến an toàn - Ảnh 1.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mở rộng nhiều diện tích khu công nghiệp để đón làn sóng FDI

TPHCM đã lên nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn FDI. Nhà xưởng xây sẵn ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3... đang được xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó là nhà xưởng cao tầng để phục vụ các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.

Khu công nghệ cao TPHCM tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do đã hết quỹ đất nên đơn vị này sẽ thu hút các nguồn FDI chất lượng, công nghệ cao, có khả năng liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lý do chọn TPHCM

Là nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM trong năm 2019, ông Stephan Pudwill, Phó Chủ tịch Công ty Techtronic Industries, chia sẻ lý do công ty chọn TPHCM là địa điểm đầu tư. Đó là vị trí chiến lược, nhiều trường đại học hàng đầu, kết nối thuận tiện về logistics và cơ sở hạ tầng. Nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển, lao động lành nghề, các nhà cung ứng chất lượng cao. Ngoài ra, có các cam kết mạnh mẽ từ chính quyền, đặc biệt là tích cực hỗ trợ mạnh mẽ công ty trong triển khai dự án hiện nay và sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM, đánh giá, Việt Nam đang được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19. Việt Nam đang là điểm sáng tại Đông Nam Á khi các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… quyết tâm chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc. “Không chỉ Chính phủ mà các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng phải chuẩn bị về đất đai, hạ tầng, thủ tục hành chính… để sẵn sàng đón dòng đầu tư mới”, ông Bé nói.

Tại Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này cho biết, dù khó khăn, nhưng tình hình doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai vẫn tương đối tốt. Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có 60 dự án FDI được cấp mới với vốn đầu tư trên 261 triệu USD, đồng thời có 80 doanh nghiệp tăng vốn lên gần 658 triệu USD. Nếu so với kế hoạch thu hút vốn đầu tư FDI 1,1 triệu USD ở năm 2020 thì đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện ảnh hưởng toàn cầu do dịch COVID-19.

Tranh thủ dòng vốn chuyển dịch

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, việc tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn FDI chất lượng cao từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vào Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Ông Lộc phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

Ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, nhận định, các nhà đầu tư thường không muốn dịch chuyển sản xuất sang vị trí quá xa so với Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong đón sóng đầu tư này. Động thái gần đây của Tập đoàn Apple liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự làm việc tại Hà Nội, TPHCM đã làm dấy lên những đồn đoán về việc hãng công nghệ này có thể mở thêm nhà máy tại Việt Nam.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch bệnh lắng xuống, có thể đón làn sóng đầu tư FDI có chất lượng. Trong gần 9  tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore đang chạy đua trong đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp và đa số các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết, có nhiều nhóm nhà đầu tư đang tìm quỹ đất từ 500-700ha hoặc đến 1.000ha để đầu tư khu công nghiệp. Một số nhà sản xuất lại muốn đầu tư tăng diện tích nhà máy nên thị trường bất động sản công nghiệp tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... đang khởi sắc.

Môi trường tốt

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, nói: “Chúng ta phải tập trung vào sự đổi mới sáng tạo, chứ không phải chỉ thu hút những dự án FDI đơn thuần chỉ là sản xuất”. TPHCM đang có nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để đạt được mục tiêu thu hút nguồn FDI chất lượng cao trong tình hình mới, TPHCM  cần lập một danh sách các doanh nghiệp công nghệ lớn hàng đầu trên thế giới. Có như vậy, những dòng vốn FDI chất lượng mới thật sự mang lại hiệu quả, giúp chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong nước cũng như nâng cao chất lượng lao động tay nghề cao, ông nói.

Bất chấp COVID-19, FDI vẫn chảy vào Việt Nam: Điểm đến an toàn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp FDI phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Duy Quang- Mạnh Thắng

Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Minh Hoàng nói rằng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong như chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.

Trong số yếu tố bên ngoài, phải kể đến xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian qua.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM, cho biết, thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng của TPHCM. TPHCM ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư...

Tương tự, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ chọn những dự án FDI công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao. Đồng Nai xác định, công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh những năm tới.

Tăng diện tích khu công nghiệp

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết, gần 70% diện tích các khu công nghiệp đã lấp đầy. Đồng Nai vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp giai đoạn 2020 thêm 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.831ha tại huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và mở rộng một số khu công nghiệp.

Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp và mời gọi đầu tư vào các dự án trên nhiều lĩnh vực. Ngoài thu hút FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp FDI có thực lực đầu tư vào các lĩnh vực khác như hạ tầng kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ… “Với dự án sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai, các tuyến đường giao thông kết nối vùng đang tiến hành xây dựng, Đồng Nai có cơ hội lớn để thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đón đầu xu hướng trên, tỉnh đang triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng việc điều chỉnh bổ sung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm khu đô thị thương mại dịch vụ để phát huy lợi thế và các điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội”, ông Hà nói.

Theo Duy Quang - Mạnh Thắng

Theo Tiền Phong

Trở lên trên