Bất chấp làn sóng tháo chạy, nhiều người giàu vẫn mạnh tay chi hàng chục tỷ mua đất vùng ven xây homestay
Có sẵn vốn, lựa chọn lô đất đẹp có tiềm năng, không vướng pháp lý, tạo dựng công trình bền vững... đó là lý do mà nhiều người nhà giàu sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng để xây homestay kinh doanh.
Năm 2020, ông V.H chi hơn 10 tỷ đồng mua lô đất tại Sơn La. Vị trí mà ông V.H mua nằm ở điểm du lịch nghỉ dưỡng săn mây. Kế hoạch mà ông V.H dự tính, đó là biến lô đất này trở thành khu nghỉ dưỡng. Đầu năm 2023, ông V.H bắt đầu tiến hành xây dựng. Dự kiến, chi phí mà ông bỏ ra để xây homestay ước chừng hơn 15 tỷ đồng. Lý giải về chi phí đầu tư cao, ông V.H cho rằng, do lô đất mà ông dự kiến nằm ở địa hình cao dẫn tới lựa chọn nguyên vật liệu xây dựng cũng như vận chuyển, hay tiền nhân công đều gia tăng. Khoản chi phí phí đầu tư này bao gồm thuê kiến trúc sư.
Ông V.H cho biết, khoản tiền đầu tư homestay đều là vốn tự có. Khi được hỏi về lý do vì sao vẫn rót khoản tiền lớn để xây homestay trong khi thực tế nhiều nhà đầu tư phải “tháo chạy”, vị này cho rằng: “Tôi không xây homestay để đầu tư cũng như không mua đất để dành chờ tăng giá. Vì vậy, tôi không quan trọng chuyện lỗ, lãi. Dĩ nhiên, đây cũng là tài sản để dành cho tương lai”.
Ông V.H nói thêm: “Thông thường, nhiều người rao bán cắt lỗ vì khi đầu tư homestay, họ xác định đây là bài toán kinh doanh. Nếu kinh doanh lỗ, họ tất nhiên phải bán. Ví dụ như tiền thuê phòng không đủ bù đắp chi phí vận hành, nên lỗ, họ phải bán. Hay họ gặp vấn đề về thanh tra lô đất, công trình trên đất do ban đầu mua đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ dẫn tới không thể, hoặc hạn chế thuê khách. Nếu rơi vào trường hợp như vậy, họ sẽ phải bán tháo. Trường hợp như tôi, mua đất đều xem xét rõ tính pháp lý, phần diện tích được phép xây dựng. Quá trình xây dựng cũng phải thuê người thực hiện, triển khai. Mục đích của tôi cũng không phải kinh doanh homestay ngắn hạn và làm theo mô hình vừa nghỉ dưỡng, vừa túc tắc cho thuê”.
Chị Trần Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng vừa đầu tư hơn 10 tỷ bao gồm cả đất và chi phí xây dựng cho homestay tại Ba Vì với mục đích vừa nghỉ dưỡng, vừa cho thuê.
Một môi giới ở Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: “Thực tế, lượng khách hỏi tìm mua đất, hoặc lại homestay dang dở vẫn đều đặn, dù không ồ ạt như thời điểm sốt đất. Nguyên nhân là bởi, họ có nhu cầu mua để nghỉ dưỡng thực sự hoặc hình thức đầu tư lâu dài”.
Trên góc độ của một nhà đầu tư có tới hơn 8 năm kinh nghiệm, anh Trần Thái Vinh (Hà Nội) phân tích: “Hậu quả của việc tháo chạy khỏi homestay khởi phát từ đầu tư theo phong trào, hội chứng FOMO. Các mô hình homestay mang tính chắp vá, không chuyên nghiệp. Nhiều người nghĩ chỉ cần mảnh đất đẹp, có vị thế đắc địa là đã có thể mang lại dòng tiền từ lô đất đó. Nhưng điều đó chưa đủ. Bởi thứ nhất, địa hình cao, khí hậu lạnh và thời tiết thay đổi sẽ là lý do khiến chất lượng công trình khấu hao nếu như nhà đầu tư không biết lựa chọn nguyên việt liệu hợp lý. Thứ hai, họ không tạo ra được mô hình homestay đủ hấp dẫn khách thuê, cũng như có dịch vụ chuyên nghiệp. Thứ ba, họ không đầu tư tìm khách thuê. Vì chắp vá nên làm ăn kinh doanh thua lỗ, họ buộc phải bán. Nhưng với nhà đầu tư bài bản, họ xác định bỏ tiền vào bất động sản, tạo ra dòng tiền đều đặn là một trong mục tiêu làm giàu, hoặc đạt được tự do tài chính. Nên khi đầu tư, họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng đồng vốn bỏ ra thu về bao nhiêu”.
Ông Đoàn Mạnh, nhà sáng lập Combo Home, chuyên thiết kế và xây dựng homestay nghỉ dưỡng cho rằng: “Nếu đầu tư mô hình này, trung bình 1-1,5 năm, chủ kinh doanh có thể thu hồi vốn trong trường hợp tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình 70-80%. Nhà đầu tư phải chú trọng tới rất nhiều yếu tố như vị trí lô đất, tính pháp lý, thiết kế, xây dựng và tạo ra câu chuyện hay về homestay để truyền thông. Sau đó, họ cần lên bảng tài chính để dự trù kinh phí và khoảng thời gian thu hồi vốn. Nhìn chung, nếu là người trong nghề, khả năng lỗ là điều khó xảy ra. Đó là lý do mà những người có tiền, có đầu óc kinh doanh vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra xây homestay”.
Nhịp sống thị trường