Bất chấp thị trường rung lắc mạnh, vẫn có hàng trăm cổ phiếu bứt phá mạnh, vượt xa lãi suất ngân hàng từ đầu năm 2021
Thống kê trên 3 sàn từ đầu năm tới nay có tới 427 mã có mức tăng trưởng trên 10%, đây thực sự là tỷ suất đáng mơ ước, vượt trội so với việc gửi tiết kiệm.
Chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2021 đầy thuận lợi với nhịp bứt phá ấn tượng và có thời điểm VN-Index đã chạm vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Dù vậy, việc thị trường đã tăng khá "nóng" trong thời gian ngắn cùng với áp lực margin căng cứng tại nhiều CTCK hay yếu tố dịch Covid-19 trở lại ngay trước kỳ nghỉ Tết đã khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh và có lúc VN-Index về dưới 1.000 điểm.
Tuy nhiên, yếu tố dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước vẫn khá mạnh, cùng niềm tin sớm kiểm soát dịch bệnh, duy trì tăng trưởng kinh tế tích cực đã giúp thị trường dần hồi phục trở lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết (9/2), chỉ số VN-Index dừng tại 1.114,93 điểm, tăng nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm.
Dù VN-Index không bứt phá quá mạnh về mặt điểm số, tuy nhiên cơ hội kiếm lợi nhuận trên thị trường vẫn khá nhiều. Thống kê trên 3 sàn từ đầu năm tới nay có tới 427 mã có mức tăng trưởng trên 10%, đây thực sự là tỷ suất đáng mơ ước, vượt trội so với việc gửi tiết kiệm. Trong đó, sàn HoSE có 86 mã tăng trên 10%, sàn HNX có 96 mã tăng trên 10% và sàn Upcom có tới 245 mã tăng trên 10% chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm.
Quán quân tăng giá trên TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay là SPH (Upcom) với mức tăng trưởng lên tới hơn 345%. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu này khá thấp và mỗi phiên chỉ khớp lệnh vài trăm cổ phiếu. Thanh khoản thấp cũng là đặc trưng của hầu hết các cổ phiếu tăng mạnh trên sàn Upcom.
Trên sàn HoSe, RIC là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 314%. Đà tăng của RIC bắt đầu từ phiên 11/1 với chuỗi 22 phiên tăng trần liên tiếp. Đáng chú ý, đà tăng của RIC diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khá "bết bát". Trong quý 4/2020, RIC lỗ 10,3 tỷ đồng và tính cả năm 2020 lỗ 81,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của RIC tính tới cuối năm 2020 lên tới 310 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE từ đầu năm tới nay có 2 cái tên đáng chú ý là GMC (+65,9%) và KBC (+58,2%). Trong đó, đà tăng của GMC đến từ kỳ vọng hoạt động kinh doanh cải thiện sau khi Covid-19 được kiểm soát cùng việc ký kết các hiệp định thương mại. Với KBC, cổ phiếu này đã bứt phá mạnh sau thông tin Foxconn thuê đất tại KCN Quang Châu do KBC sở hữu.
Nhóm VN30 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi có tới 20 mã tăng trưởng dương từ đầu năm tới nay. Trong đó, có 6 mã tăng trưởng trên 10%, bao gồm FPT (+26,22%), PDR (+21,94%), NVL (+21,05%), VPB (+18,46%), REE (+16,44%) và TCB (+14,28%).
Dù thị trường chung vừa trải qua giai đoạn rung lắc khá mạnh, tuy nhiên xu hướng chung trong năm 2021 được kỳ vọng vẫn khá tích cực. Điều này đến từ dòng tiền nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường khá mạnh trong bối cảnh lãi suất đang ở mức rất thấp. Số liệu từ VSD cho biết trong tháng 1 có tới hơn 86.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay và xu hướng này được dự báo sẽ chưa dừng lại khi số lượng tài khoản chứng khoán trên quy mô dân số Việt nam vẫn khá thấp.
Cùng với xu hướng dòng vốn mới, dòng vốn ETFs cũng đang đổ mạnh vào TTCK Việt Nam, đặc biệt thông qua các quỹ VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFinLead ETF…cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Thống kê từ đầu năm tới nay cho biết dòng vốn ETFs đổ vào TTCK Việt Nam đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Dữ liệu thống kê cho biết TTCK Việt Nam thường "đồng pha" với xu hướng dòng vốn ETFs. Do đó, việc dòng vốn ETFs đang trở lại mạnh mẽ thời gian gần đây là tín hiệu tích cực cho thị trường và mang lại kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục những cột mốc mới trong quý 1 này.
Bên cạnh các yếu tố hỗ trợ kể trên, việc định giá TTCK Việt Nam đang thấp nhất khu vực (P/E khoảng 17,2 lần), trong khi tăng trưởng ROE cao hàng đầu khu vực cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức.
Ngoài ra, động lực nâng hạng thị trường mới nổi (có thể đến trong 2-3 năm tới), hay việc thành lập các quỹ hữu trí, quỹ đầu tư, gia tăng tầng lớp trung lưu sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn.
Theo đánh giá của nhiều CTCK trong nước, chỉ số VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm trong năm 2021 và thậm chí một số CTCK còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm. Trong khi đó, Pyn Elite Fund, quỹ ngoại quy mô hàng đầu tại Việt Nam vẫn luôn giữ quan điểm lạc quan về TTCK Việt Nam với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể lên ít nhất 1.800 điểm trong vài năm tới.