Bắt đầu đón tour du lịch Trung Quốc, doanh nghiệp Việt vẫn 'nửa mừng nửa lo'
Từ hôm nay (15/3), du khách Trung Quốc chính thức được phép du lịch theo tour tới Việt Nam. Là thông tin tích cực với ngành du lịch, song sau một thời gian gián đoạn vì COVID-19, nhiều doanh nghiệp than gặp không ít khó khăn.
- 13-03-2023Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đón tín hiệu tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc
- 12-03-2023Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng đón khách Trung Quốc
- 11-03-2023Phát triển TP. Hạ Long trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế
Hai khó khăn lớn
Sau nhiều năm cầm cự vì vắng bóng khách Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển lao động phục vụ. Theo ghi nhận, loạt nhà hàng, khách sạn… ở Đà Nẵng rộn ràng sửa chữa nâng cấp để đón khách.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Phạm Chiến Thắng - Tổng Giám đốc một công ty du lịch chuyên phục vụ thị trường khách nước ngoài - cho biết, mùa này hệ thống khách sạn nhiều điểm dôi dư 70% công suất. Nếu lên được phương án đón khách Trung Quốc có hiệu quả, lấp được tỷ lệ trống vào mùa thấp điểm sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó hơn rất nhiều.
“Nhiều khách sạn, nhà hàng chuyên khách Trung Quốc thời gian qua để “mốc meo” vẫn phải gồng lãi vay ngân hàng. Giờ họ đang gấp rút sửa sang, đầu tư đón khách. Hy vọng thời gian tới thị trường nhộn nhịp lên để doanh nghiệp bớt khổ”, ông Thắng cho biết.
Từ góc nhìn người làm du lịch nhiều năm, ông Thắng cho rằng, Việt Nam nên đầu tư thêm các trung tâm thương mại bán hàng giảm giá, vừa hút khách vừa tận dụng sức mua, thu ngoại tệ. Ông cũng nói thêm, khách Trung Quốc có phân khúc cao cấp, cần thiết kế, xây dựng thêm dịch vụ sản phẩm để hấp dẫn được phân khúc này thời gian tới.
Theo ông Thắng, biển Đà Nẵng lọt danh sách 10 bãi biển đẹp nhất châu Á, không thua kém gì với Thái Lan. Tuy nhiên thực tế thì việc thu hút khách quốc tế, trong đó Trung Quốc còn “hụt hơi” so với Thái Lan. Ở góc độ vĩ mô, một phần nguyên nhân đến từ quảng bá chưa tốt và dịch vụ chưa đa dạng.
Ông Thắng cũng nêu hai khó khăn lớn khi khởi động đón khách Trung Quốc. Thứ nhất, doanh nghiệp khát vốn sau 3 năm kiệt quệ vì COVID-19. Thứ hai, thiếu lao động khi nhân sự của ngành chuyển đổi rất nhiều.
Doanh nghiệp thận trọng nghe ngóng
Là một doanh nghiệp du lịch phục vụ khách quốc tế, trong đó có khách từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn trước dịch, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - Marketing TST tourist - cho biết, công ty vừa tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực, sản phẩm, vừa bám sát tình hình khách từ sau ngày 15/3 để có những kế hoạch phù hợp.
"Thị trường du lịch đang trở nên sôi động với thông tin hàng chục chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Trung Quốc đến Việt Nam. Nhưng để tập trung vào khách hàng mục tiêu - khách hàng có chi tiêu cao, chúng tôi cần thêm thời gian tìm hiểu kỹ các thủ tục, quy trình. Khi chủ động được mọi thông tin cần thiết, chúng tôi sẽ tập trung đón khách”, ông Mẫn cho biết thêm.
Ông cũng kiến nghị hai vấn đề quan trọng để hút khách quốc tế tốt hơn trong thời gian tới. Thứ nhất, cần thông thoáng hơn với chính sách visa, mở rộng thời gian lưu trú, tăng đối tượng được miễn. Thứ hai, cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, tăng khả năng tiếp cận đối tượng du khách thông qua nhiều hình thức.
Không chỉ doanh nghiệp, các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước cũng gấp rút việc chuẩn bị cho kế hoạch đón khách đoàn Trung Quốc trở lại. Hôm 13/3, Sở Du lịch Quảng Ninh tổ chức cuộc họp thống nhất các giải pháp khai thác tổ chức khách du lịch thị trường tỷ dân.
Sáng nay, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023 với chủ đề đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển. Các đại diện doanh nghiệp du lịch và liên quan du lịch sẽ có bài phát biểu ý kiến tại hội nghị, bàn giải pháp đột phá du lịch thời gian tới.
Trung Quốc nói sẽ tăng giám sát "tour giá rẻ bất hợp lý"
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã chính thức ban hành văn bản về việc thí điểm khôi phục hoạt động tổ chức du lịch ra nước ngoài (đợt 2).
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng yêu cầu các địa phương trong nước chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành tổ chức thực hiện một cách an toàn, ổn định và có trật tự công tác thí điểm, đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch trong nước và nước ngoài. Nước này cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý du lịch theo đoàn, ký kết hợp đồng du lịch với khách du lịch theo quy định của pháp luật; lựa chọn nhà cung cấp, đối tác uy tín.
Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, trong đó có các "tour du lịch giá rẻ bất hợp lý".
Tiền phong