MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu làn sóng cổ phiếu ngân hàng đổ bộ sàn chứng khoán?

26-06-2020 - 14:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ còn 6 tháng để các ngân hàng hoàn thiện thủ tục lên sàn theo yêu cầu.



Cả một thập kỷ trôi qua, từ hơn hai nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã nhiều lần định hướng và yêu cầu đưa tất cả cổ phiếu ngân hàng lên giao dịch tại các sàn chứng khoán, nhưng vẫn chưa thể thực hiện xong. Năm nay, theo lộ trình sẽ là điểm hẹn cuối.

Mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng thương mại vừa và đang diễn ra bước đầu có những gợi mở mới

Giờ G đã điểm

Tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Cụ thể, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Định hướng này nhằm gia tăng lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, cũng như tăng độ minh bạch trong hoạt động của các nhà băng. Mặt khác, đây cũng là hướng đảm bảo lợi ích cổ đông, nhà đầu tư trong việc tham gia và tạo môi trường giao dịch thuận lợi.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, thời gian còn lại chỉ là 6 tháng để các ngân hàng lên sàn theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Nhiều nhà băng cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục lên sàn, sau nhiều lần trì hoãn.

SeABank là một ví dụ. Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2020.

Trong thời gian chưa niêm yết trên HOSE, SeABank sẽ ủy quyền cho HĐQT xem xét, quyết định việc đăng ký giao dịch trên UPCoM trong trường hợp cần thiết theo thực tế hoạt động của ngân hàng cũng như diễn biến của thị trường hoặc theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.

Một ngân hàng khác là OCB cũng đã lên kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm nay.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Ban lãnh đạo OCB cho biết, từ năm 2019, ngân hàng đã tiến hành việc chào bán cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho các đối tác nhằm nâng cao năng lực tài chính. Và sau nhiều tháng đàm phán, OCB đã ký được thỏa thuận mua bán cổ phần với  ngân hàng Aozora của Nhật Bản.

Trong khi đó, dù kế hoạch sáp nhập vào HDBank vẫn đang bỏ ngỏ, cổ đông ngân hàng PGBank vẫn quyết định thông qua kế hoạch đăng ký lưu ký và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Còn tại NamABank, do nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến tiến độ niêm yết trong thời gian qua. Dù vậy, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã thực hiện gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của NamABank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết chứng khoán.

Và tại cuộc họp cổ đông tới đây, HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại HOSE, thời gian thực hiện chậm nhất là cuối tháng 12 năm nay.

Chuyển sàn, đón đầu chính sách

Bên cạnh hàng loạt ngân hàng quyết định lên sàn sau thời gian trì hoãn, rất nhiều thành viên cũng quyết định chuyển cổ phiếu sang “nhà mới” trong năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây, cổ đông ngân hàng ACB đã thông qua kế hoạch chuyển sang HOSE trong năm 2020.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, việc chuyển sàn sẽ chia làm hai bước, trong đó bước 1 là chốt cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9 sau đó tháng 11, tháng 12 sẽ chuyển sàn sang HOSE.

“Việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông hơn nữa khi chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư”, Ban lãnh đạo ACB chia sẻ.

Cũng với việc chuyển sang HOSE, lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%). VNFINLEAD (12%)…

Tương tự, VIB cũng dự kiến chuyển sang sàn HOSE trong năm nay, sau khi hoàn tất việc tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng.

Lý giải về quyết định này, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên sàn UPCoM.

SHB mới đây cũng đã quyết định chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE, trong khi LienVietPostBank cũng lên kế hoạch chuyển từ UPCoM sang HOSE.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc chuyển sàn sang HOSE sẽ giúp ngân hàng đạt được hai mục đích. Thứ nhất, là giúp nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư và khách hàng, đồng thời, tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng cũng tăng cao hơn.

Thứ hai, động thái này cũng nhằm đón đầu chính sách khi Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại 2 sàn HOSE và HNX.

Theo đó, từ 2020-2023, dự kiến thị trường cổ phiếu chuyển về HOSE quản lý, còn HNX quản lý thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp) và thị trường chứng khoán phái sinh.

Dó đó, việc các ngân hàng chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian.

Theo Trần Thúy

BizLive

Trở lên trên