MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản bắt đầu cắt lỗ, nhà đầu tư tiềm lực e sợ không dám vào tiền

12-10-2022 - 09:05 AM | Bất động sản

Bất động sản bắt đầu cắt lỗ, nhà đầu tư tiềm lực e sợ không dám vào tiền

Khi thị trường bất động sản sôi động, một số nhà đầu tư tiềm lực từng tuyên bố, họ chờ đợi giá lao dốc để “bắt đáy”. Nhưng thực tế, khi giá bất động sản đang dần hạ nhiệt, nhà đầu tư vẫn trong tâm lý lo sợ, không dám xuống tiền.

Diễn biến trái chiều trong tâm lý của các nhà đầu tư đã xuất hiện khi thị trường nhiễu động. Ở thời điểm giá bất động sản tăng chóng mặt, sau đó dần đi ngang, đã không ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt từng tuyên bố rằng, họ chờ đợi giá lao dốc để “bắt đáy”. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư tay ngang cũng đợi giai đoạn thị trường xuống dốc mạnh để “săn” tìm lô đất rẻ.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, dù một số khu vực ghi nhận làn sóng người bán bắt đầu hạ giá nhưng người mua vẫn “vắng bóng”.

Bất động sản bắt đầu cắt lỗ, nhà đầu tư tiềm lực e sợ không dám vào tiền - Ảnh 1.

Nhà đầu tư vẫn e ngại trước lô đất rẻ, do tâm lý sợ thị trường biến động.

Anh Trần Ngọc Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ là nhà đầu tư tay ngang nhưng đã có tới hơn 6 năm kinh nghiệm xuống tiền vào đất. Các thương vụ của anh đa phần đều lời.

Anh Long cho biết: “Tôi và một số bạn bè của mình đều từng bảo với nhau rằng, đợi bất động sản hạ thì vào tiền. Nhưng thực sự, đến khi môi giới tư vấn vài lô đất rẻ hơn so với thời điểm 6 tháng trước nhưng ai cũng e ngại xuống tiền”.

Lý giải điều này anh Long nói: “Mọi người lo sợ giá bất động sản có thể xuống nữa. Nếu giá bất động sản còn xuống thì rõ ràng bỏ tiền ra mua lô đất bây giờ sẽ bị giảm giá trị. Điều khiến mọi người lo sợ hơn là bởi kinh tế biến động. Tâm lý giữ tiền mặt ở giai đoạn này là an toàn khiến mọi người đề phòng, không dám đổ vào bất động sản”.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho biết, thanh khoản thị trường đi xuống dưới tác động từ siết dòng tín dụng, thậm chí xuất hiện nhiều tình trạng nhà đầu tư phải bán tháo, cắt lỗ trong giao dịch sang nhượng thứ cấp vì ngộp vốn.

Quý IV/ 2022 thường là mùa cao điểm với bất động sản nhưng trước diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, tâm lý tiêu dùng yếu, rất khó phán đoán thanh khoản của thị trường thời điểm cuối năm.

Một khảo sát của đơn vị này cũng chỉ ra tâm lý của khách hàng đang lo sợ thị trường gặp khó. Khoảng 36% môi giới tham gia khảo sát cho biết, khách hàng hoãn quyết định mua bán nhà đất vì lo sợ thị trường sẽ còn tiêu cực, 23% cho biết khách không chốt giao dịch do bị hạn chế trong vay vốn để mua nhà.

Theo các chuyên gia, chính tâm lý lo sợ thị trường còn tiêu cực đã tác động mạnh đến quyết định của nhóm nhà đầu tư, người mua ở thực.

Trong buổi chia sẻ mới đây, ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Kim Long Land thẳng thắn cho rằng, thị trường sẽ không xảy ra như giai đoạn 2011-2013. Theo ông Dũng, giá bất động sản đi ngang, chững lại và ít giao dịch. Kịch bản giá bất động sản cắt lỗ hàng loạt khó xảy ra.

Về câu chuyện xác định “đáy bất động sản”, ông Dũng nói, thị trường phải trải qua các giai đoạn mới biết đâu là “đáy”. Nhưng ông Dũng tin tưởng vào kịch bản lạc quan của thị trường bất động sản.

Bà Hồ Thị Thu Mai, một nhà đầu tư lâu năm và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết, bà vẫn tìm kiếm bất động sản tốt để chờ cơ hội mới. Khi nhắc đến lãi suất đang tăng, bà khẳng định, lãi suất tăng trên 20% như năm 2011 thì thực sự khó khăn thật.

Nhưng hiện lãi suất cũng chưa có gì đột biến. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng, nhưng hiện vẫn đang ở mức chấp nhận được. Thế nên bà Mai khuyến nghị, nếu bất động sản tốt và hiếm thì vẫn là của tốt.

Nhiều chuyên gia vẫn e ngại khó khăn của thị trường địa ốc nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất, trong đó có Việt Nam, động thái này kéo theo lãi suất vay sẽ tăng trong thời gian tới.

Tác động của lãi suất tăng kèm giá bất động sản tăng, cùng khả năng mua nhà không có sự hỗ trợ tài chính là điểm nghẽn khiến thị trường mắc kẹt trong việc khơi thông thanh khoản.


Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên