Bất động sản đã có “chìa khóa” gỡ khó, thị trường sẵn sàng “hồi sức”
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP cùng với các gói tín dụng ưu đãi và mặt bằng lãi suất hạ nhiệt trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản được dự báo sẽ sớm hồi phục từ quý 2/2023, sớm hơn những nhận định trước đó.
Thị trường bất động sản được “gỡ khó” toàn diện
Thị trường bất động sản đầu tháng 3 liên tục đón loạt tin vui khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng với đó Nghị định 08 về giãn hoãn nợ trái phiếu, các quyết định số 313-314 của NHNN về giảm lãi suất cũng liên tiếp được ban hành.
Đánh giá về những động thái của Chính Phủ, giới chuyên gia cho rằng nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản của Chính phủ đã đánh giá chính xác, "bắt đúng bệnh" khi tập trung vào các nhiệm vụ chính như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp…
“Bất động sản là lĩnh vực cơ bản quan trọng của nền kinh tế nên Chính phủ đặc biệt quan tâm, từ xây dựng hoàn thiện thể chế tới tháo gỡ cơ chế chính sách về nhà ở, quyền sử dụng đất, tháo gỡ nguồn vốn trái phiếu, tín dụng. Cùng với đó, Chính phủ có thêm gói 120.000 tỉ đồng cho Nhà ở xã hội. Rõ ràng tất cả các phân khúc đều đang được quan tâm và khơi thông, mang lại nhiều lựa chọn, lợi ích cho toàn thị trường”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Cũng theo ông Thịnh: “Loạt giải pháp trong đó có Nghị Quyết 33 cho thấy mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết triệt để các vấn đề cả trong ngắn hạn và dài hạn cho bất động sản. Trong đó, hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…là những phương án lâu dài để giải quyết tận gốc những vấn đề của thị trường. Về ngắn hạn, Nghị Quyết 33 yêu cầu khơi thông loạt thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan tới các dự án bất dộng sản. Về nguồn vốn tín dụng, Nghị quyết 33 có những giải pháp giãn hoãn nợ, xem xét để có biện pháp phù hợp với từngdDoanh nghiệp”, ông Thịnh cho biết.
Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hoà cho hay: "Chính phủ đồng ý cho cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp xoay xở dòng tiền. Điều này hỗ trợ cho doanh nghiệp rất lớn. Nhiều doanh nghiệp có những tài sản rất tốt nhưng dòng tiền lại bị chặn đứng nên việc tháo gỡ này sẽ giúp cho doanh nghiệp có lượng tiền mặt để tiếp tục hoạt động ổn định".
Hiệu ứng lan tỏa tạo sức ấm cho thị trường từ gói cho vay 120 nghìn tỷ
Nghị quyết 33 được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp trong năm nay. Hiện nay, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội… đã được định hướng rõ ràng. Từ đây, các địa phương đưa ra giải pháp phù hợp.
Về nguồn vốn cho phân khúc nhà ở xã hội, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự hỗ trợ của gói 120 nghìn tỷ sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội được đưa ra thị trường nhiều hơn. Giao dịch phân khúc này cũng sẽ sôi động trở lại vì đánh trúng nhu cầu thực của hàng triệu người lao động. Sức ấm của phân khúc này sẽ lan tỏa "hơi nóng" tới cả thị trường chung, giúp bất động sản hồi phục.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường 1,5-2%, nhằm tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là tín hiệu khá tích cực trong Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đây sẽ là một trong những chính sách tác động lớn đến thị trường giai đoạn tới", ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định.
Tuy nhiên, để chính sách cho Nhà ở xã hội sớm có hiệu quả, giới chuyên gia cũng cho rằng cần giảm mặt bằng lãi suất cho vay hoặc giảm điều kiện cho người vay mua nhà ở xã hội, tạo cơ chế thông thoáng để các địa phương, nhà đầu tư tiếp cận pháp lý dễ dàng hơn, đồng thời có thêm các chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư mới tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản sớm hồi phục từ quý 2/2023
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, với quyết tâm và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của Chính phủ thời gian tới thị trường bất động sản sẽ có triển vọng tốt. Cùng với hoạt động của thị trường trái phiếu quay lại, vốn đổ vào thị trường sẽ khá lên. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để đầu tư kinh doanh khi vốn tín dụng quay lại.
“Khi khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách được tháo gỡ dần các doanh nghiệp sẽ có sản phẩm ra thị trường. Nếu các chính sách được đưa vào đồng bộ thì có thể cuối quý 2 thị trường ấm lên. Trước đây tôi nghĩ quý 4 mới có thể sôi động nhưng với điều kiện hiện tại thì hoàn toàn có thể sớm hơn.”, ông Thịnh cho biết.
Cũng có cái nhìn khá lạc quan về thị trường, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết: “Trong thời gian tới, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh ý thức và cam kết tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, đây thực sự là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, phục hồi nhanh và bền vững trong thời gian tới”.
Ghi nhận từ một số sàn bất động sản, ngay sau khi TPHCM và nhiều địa phương tập trung gỡ vướng pháp lý và một số ngân hàng đã hạ lãi suất, mức độ quan tâm đến các dự án đang tăng trở lại.
Ông Trần Văn Chinh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Á Land chia sẻ: "Khả năng thanh khoản, khả năng đầu tư của thị trường đang dần phục hồi. Những người đang có nhu cầu an cư họ sẽ xuống tiền, họ mua để đón kịp làn sóng bất động đợt này. Tôi nghĩ rằng khả năng thanh khoản sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới".
Thực tế, các tín hiệu về chính sách rất quan trọng đối với thị trường bất động sản đặc biệt là khi thị trường khó khăn. Điển hình như giai đoạn 2013 khi bất động sản lâm vào khủng hoảng, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất khoảng 5-6% đã có tác dụng như một "ngòi nổ", giảm tâm lý nặng nề và giúp cho thị trường có thanh khoản, phụ hồi trở lại.
Tuy nhiên, để thị trường có thể tiếp sớm hồi sức các chuyên gia cho rằng điều cần lúc là sự chuyển biến các bộ, ban, ngành. Nhiều việc cần triển ngay như thủ tục giấy tờ để khơi thông nguồn cung cho các dự án. Điều kiện cụ thể đối với từng đối tượng để được hưởng gói vay 120 nghìn tỉ đồng. Nhiều vấn đề tích cực được Nghị Quyết 33 nhắc tới cũng cần quan tâm xử lý ngay như việc sửa các Luật để tạo hành lang pháp lý, tránh sự chồng chéo trong các quy định pháp luật.
Nhịp Sống Thị Trường