Bất động sản Hà Nội sẽ bước vào một chu kỳ mới: Giá bán chung cư dự kiến có thể vượt TP.HCM
Đây là nhận định của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam tại Hội thảo "Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội" vừa diễn ra sáng ngày 24/10.
Tại Hội thảo, đại diện CBRE Việt Nam đánh giá, trong năm 2024, các kênh đầu tư cá nhân có nhiều biến động, đáng chú ý nhất là vàng. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư cá nhân sôi động, thu hút số đông.
Phân khúc căn hộ diễn biến sôi động nhất thị trường trong thời gian qua. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã thể hiện sự khác nhau rõ rệt.
Tại thị trường Hà Nội, số căn hộ mở bán mới trong quý 3/2024 là 8.227 căn, phần lớn nguồn cung trong giai đoạn này đến từ các dự án phân khúc cao cấp. Cũng trong quý 3, thị trường ghi nhận một dự án hạng sang mở bán mới.
Còn tại TP.HCM, số căn hộ chào bán mới trong quý 3/2024 chỉ là 127 căn, thấp nhất trong vòng 10 năm qua tại đây.
"Hà Nội đang có xu hướng phát triển thị trường mạnh, trong khi đó TP.HCM đang tiếp tục đối diện với bài toán nguồn cung còn hạn chế", ông Kiệt cho hay.
Xét về thanh khoản, TP.HCM có lượng giao dịch thành công đạt hơn 2.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung mới chỉ có hơn 100 sản phẩm. Điều này chứng tỏ, nhu cầu thị trường vẫn đang duy trì ở mức ổn định, có sức hút nhất định. Tại TP Hà Nội có mức độ hấp thụ tương đương nguồn cung cho thấy thị trường này đang rất sôi động.
Về giá bán, dù nguồn cung tăng hay giảm thì giá vẫn có chiều hướng tăng. Mức giá tăng trung bình tại TP.HCM hiện dao động khoảng 66 triệu đồng, trong khi đó ở Hà Nội đã đạt 64 triệu đồng. Thông thường, so với trước đây, thị trường Hà Nội luôn thấp hơn TP.HCM khoảng 10-15 triệu, nhưng hiện tại Hà Nội gần như ngang với TP.HCM, thậm chí dự kiến sẽ còn tăng hơn cả TP.HCM vào những năm tới.
CBRE dự báo, nguồn cung dự kiến đến năm 2026 tại Hà Nội sẽ dồi dào hơn TP.HCM. Thị trường Hà Nội sẽ có 38.000 sản phẩm mới, trong khi tại TP.HCM có khoảng 29.000 căn. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, Hà Nội được xem như "hạt nhân" của chu kỳ tiếp theo.
Cũng tại Hội thảo, ông Kiệt chia sẻ thêm, bất động sản Việt Nam sau đại dịch gần như đi xuống cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên có yếu tố tích cực đó là việc Chính phủ quan tâm, đẩy nhanh áp dụng sớm các luật lớn liên quan đến thị trường bất động sản. Trên thực tế, bất động sản không đơn thuần là một ngành nghề mà còn liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Vì vậy, việc các luật có hiệu lực sớm kỳ vọng sẽ có những thay đổi mới tích cực hơn.
Vị chuyên gia đánh giá, các luật mới mở nhiều hơn là siết, mở rộng hơn để giải quyết những ách tắc liên quan đến pháp lý các dự án. Đây là ngành có yếu tố quan trọng và Chính phủ đẩy nhanh việc quản lý chặt chẽ để thị trường đi theo một chu kỳ mới, thuận lợi và bền vững hơn.
"Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có điểm tích cực về nhu cầu, dù giá bán ở TP.HCM và Hà Nội vẫn tăng cao nhưng mức độ hấp thụ vẫn rất tốt. Tức là trên thị trường vẫn có một lượng lớn nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, có một lượng lớn người dân có nhu cầu về nhà ở", ông Kiệt cho biết.
Nhịp sống thị trường