Bất động sản Tân Uyên nóng theo lộ trình lên thành phố
Là đô thị chiến lược trong đề án quy hoạch thành phố thông minh Bình Dương, thừa hưởng hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại cùng phát triển công nghiệp mạnh mẽ, Tân Uyên tiến tới thành lập thành phố vào năm 2023.
Lực đẩy từ đề án quy hoạch Thành phố thông minh Bình Dương
Ngày 21/6 vừa qua, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF đã vinh danh Bình Dương là 1 trong TOP 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới của năm 2022. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Bình Dương lọt vào TOP 7, sánh vai với các đô thị thành phố thông minh trên thế giới. Trước đó, Bình Dương cũng đã có 4 lần liên tiếp nằm trong TOP 21 (Smart 21) từ năm 2018 đến 2021.
Để đánh giá một thành phố đạt trong TOP 7, ICF đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới, từ đó lựa chọn ra TOP 21 (Smart 21). TOP 21 sẽ được tiếp tục so sánh và đánh giá kỹ lưỡng, trực tiếp và gián tiếp, qua đó chọn ra TOP 7 những thành phố có chiến lược phát triển thông minh nhất.
Lễ Vinh danh TOP 7 cộng đồng thông minh thế giới tại Bình Dương.
Một khu vực lọt vào TOP 7, trước hết cần thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe của ICF đưa ra bao gồm: Kết nối - Băng thông rộng; Lực lượng lao động; Đổi mới Sáng tạo; Bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số; Ủng hộ khích lệ và Bền vững.
Được vinh danh trong TOP 7 cộng đồng thông minh thế giới 2022, Bình Dương trở thành "sân chơi" uy tín được cộng đồng các thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) công nhận; nhờ đó dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ đô liên tiếp chảy vào Bình Dương. Cụ thể, dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) rót vào khu công nghiệp VSIP III (Tân Uyên); Tập đoàn CapitaLand Development rót hơn 500 triệu USD vào phát triển đô thị tại thành phố mới Bình Dương, góp phần trong 5 tháng đầu năm 2022 Bình Dương vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút vốn ngoại với hơn 2,5 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2022 Bình Dương tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình trọng điểm kết nối vùng như đường vành đai 3, đường vành đai 4, đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Chơn Thành; nâng cấp Quốc lộ 13 kết nối với Tp. Hồ Chí Minh…
Quy hoạch đề án Thành phố thông minh Bình Dương.
Khu vực lõi kết nối các đô thị trung tâm của đề án thành phố thông minh bao gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát được chính quyền tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo chuẩn các mô hình thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Trong đó, TP. Mới (Thủ Dầu Một) đóng vai trò hạt nhân, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất của tỉnh. Đáng chú ý là Tung tâm Thương mại thế giới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng những công trình chức năng quan trọng.
Tọa độ vàng của thị trường bất động sản
Hiện nay thị xã Tân Uyên đang hoàn thiện các thủ tục nâng cấp lên thành phố. Dự kiến, đến năm 2023, Tân Uyên sẽ chính thức trở thành thành phố thứ 4 của tỉnh. Hiện Tân Uyên đã đạt 5/5 tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Dân số toàn thị xã có hơn 421.000 người, tương đương TP Dĩ An và vượt xa TP Thủ Dầu Một (khoảng 341.830 người).
Việc Tân Uyên lên thành phố khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sự gia tăng giá trị bất động sản trong thời gian tới. Thực tế, những tiền lệ trước đây đã chỉ ra rằng, quy hoạch - đặc biệt là nâng cấp lên thành phố - tạo sức bật vô cùng mạnh mẽ khiến giá bất động sản tăng giá chóng mặt.
Trước đó, Dĩ An và Thuận An cũng đã chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ trước thời điểm lên thành phố (2020). Cụ thể, Năm 2018-2019 giá đất Dĩ An chỉ khoảng 30 triệu/m2, sau khi lên thành phố đã tăng lên 50 - 55 triệu/m2. Thuận An cũng từ mức 25-35 triệu/m2 vượt lên đến 45 - 50 triệu/m2, nhà phố liền kề thậm chí đạt mức 65-70 triệu/m2.
Cùng với 3 thành phố hiện hữu, Tân Uyên là cái tên tiếp theo có bước tiến vượt bậc về phát triển bất động sản trong tương lai. Bởi hiện nay, giá nhà đất khảo sát tại Tân Uyên còn khá mềm, dao động ở ngưỡng 24 - 25 triệu/m2 đối với khu vực trung tâm và 15 - 20 triệu/m2 đối với khu vực xa trung tâm, dư địa tăng giá còn rất lớn so với tiềm năng khu vực.
Nhu cầu nhà ở tại Tân Uyên rất lớn.
Tân Uyên có lợi thế liền kề Thành phố Mới - trung tâm của tỉnh Bình Dương, do đó thừa hưởng nền tảng hạ tầng hiện đại, kết nối nội/liên vùng thuận tiện. Bên cạnh đó, Tân Uyên sở hữu 2 dự án KCN VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Trong đó, KCN VSIP II có quy mô 2045ha và mới đây nhất là KCN VSIP III quy mô hơn 1000ha. Cả 2 KCN này giúp Tân Uyên trở thành điểm đến hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia, thu hút nguồn vốn FDI mạnh mẽ và lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt là hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, quản lý trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc, tạo ra nguồn cầu về nhà ở rất lớn, thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ.
Ông David Jackson - TGĐ Colliers Việt Nam cho rằng, các khu vực có chủ trương lên thành phố hay quận, ở giai đoạn đầu ngưỡng giá bất động sản còn tương đối mềm nhưng khi hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá sẽ biến động rất lớn.