MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản tỉnh lẻ đang bội thực nguồn cung

13-10-2020 - 15:15 PM | Bất động sản

Chỉ trong năm 2020, tỉnh Bình Dương cấp phép cho 114 dự án bất động sản được mở bán mới, tỉnh Hậu Giang với dân số chỉ hơn 733.000 người, đất ở rộng lớn, nhưng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có tới 62 dự án bất động sản đang phát triển…

Tỉnh lẻ thi nhau cấp phép dự án

Báo cáo mới nhất từ Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 62 dự án bất động sản được chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển dự án. Trong đó, TP. Vị Thanh với dân số khoảng 200.000 người, nhưng được quy hoạch mời gọi 21 dự án bất động sản mới. Tại TP. Ngã Bảy có tới 10 dự án, thị xã Long Mỹ có tới 10 dự án, huyện Châu Thành 12 dự án… Đặc biệt, các dự án đều có diện tích hàng trăm héc-ta với các dòng sản phẩm chủ yếu là nhà phố, đất nền.

Còn ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết chỉ từ đầu năm 2020 tới nay, tỉnh này đã cấp phép cho 114 dự án bất động sản mới. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một có 15 dự án; thành phố Thuận An có 36; thành phố Dĩ An có 23; TX Tân Uyên có 23; TX Thị Xã Bến Cát có 11; huyện Bàu Bàng có 6.

Còn tại Long An, năm 2019 tỉnh này có khoảng 118 dự án đã được phê duyệt quy hoạch thuộc Thành phố Tân An và các huyện như: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Trụ. Tới Năm 2020, các dự án được cấp phép được tỉnh hạn chế, theo số liệu từ Sở Xây dựng tỉnh Long An thì có khoảng 10 dự án mới được cấp phép.

Tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng dự án mới mở bán cũng tăng đáng kể từ đầu năm 2020 tới nay. Đơn cử như Tập đoàn Novaland có tới 4 dự án mỗi dự án lên tới 1.000ha tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Hưng Thịnh Corp cũng có các dự án lớn tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai…

Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại các tỉnh thì có những tỉnh lượng dự án cấp phép nhiều hơn so với thực tế nhu cầu nhà ở của người dân dẫn tới tình trạng dự án xây dựng, mở bán nhưng không có người ở.

Cụ thể, tại tỉnh Hậu Giang, nguồn cung đang vênh với nhu cầu thực rất lớn. Đặc biệt, dân số tỉnh Hậu Giang hiện quá thấp, theo số liệu năm 2019 của tỉnh, thì toàn tỉnh chỉ có 733.017 người, thậm chí số liệu khảo sát dân số năm 2004 của tỉnh là 749.800 người, còn lớn hơn số dân năm 2019.

Tại dự án Western Pearl (TP. Vị Thanh), giá mỗi m2 đất tại đây được chủ đầu tư chào bán từ 10,5 - 13 triệu đồng/m2, giá nhà thô xây sẵn hiện từ 4,5 - 5 tỷ đồng/căn diện tích 5x20, cao tương đương với nhiều dự án ở vùng ven và phụ cận TP.HCM.

Trong khi đó, theo số liệu từ UBND tỉnh Hậu Giang, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của tỉnh là 1.935 USD, tính ra thu nhập bình quân mỗi tháng của người dân Hậu Giang chưa tới 4 triệu đồng/người. Điều này cho thấy, thu nhập người dân và giá bất động sản đang vênh nhau khá lớn.

Hay như tỉnh Bình Dương, năm 2009 dự án Trung tâm hành chính tỉnh tại TP Mới được hình thành, hàng chục ngàn sản phẩm như đất nền, nhà phố, chung cư, biệt thự được bán ra. Thế nhưng tới nay đây lại là một thành phố không người ở.

Ở Long An tỉnh cảnh dự án được mở bán rầm rộ nhưng sau đó lại không được người dân về ở như khu đô thị Năm Sao với diện tích hơn 400ha, khu đô thị TP Mới Tân An cũng lên tới hơn 200ha nhưng tới nay cũng không có người ở….

Khu đô thị Long Hưng tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, khu dân cư quan khu vực xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành… cũng chìm trong cảnh dự án được xây dựng hạ tầng, bán cho người dân, nhà đầu tư nhưng lại không có người về ở.

Đặc biệt, mới đây, nhiều tỉnh thành đã công bố thu hồi hàng loạt dự án bất động sản đã được cấp phép nhưng chủ đầu tư lại không thực hiện xây dựng, phát triển dự án.

Cụ thể, tại tỉnh Long An đã công bố thu hồi 10 dự án bất động sản được cấp phép nhiều năm nhưng chủ đầu tư không triển khai. Cụ thể là dự án khu dân cư nhà ở nhân nhân thuê tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa do Công ty TNHH Amongland làm chủ đầu tư; Dự án khu dân cư Hựu Thạnh tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa do Công ty CP Western River làm chủ đầu tư. Dự án khu dân cư Đất Lành tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, do Công ty TNHH Bất động sản Đất Lành làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư ấp mới 2 tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa do Công ty CP Địa ốc Mỹ Hạnh Đức Hòa làm chủ đầu tư. Dự án Mỹ Hạnh Nam tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa do Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất Xanh Long An làm chủ đầu tư. Dự án khu dân cư dành cho người thu nhập thấp tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc của Công ty CP Bất động sản Đại Ngàn làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Bắc Tân An tại TP Tân An do Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường làm chủ đầu tư…

Bên cạnh đó, các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… cũng đã có thông báo thu hồi hàng loạt dự án nhà ở chậm triển khai từ đầu năm 2020 tới nay.

Bộ Xây dựng tìm giải pháp siết cấp phép dự án mới

Trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng tại một số địa phương, triển khai thực hiện công tác phát triển đô thị còn chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, còn thiếu đồng bộ các công cụ quản lý phát triển đô thị từ quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị đã dẫn đến những khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các dự án phát triển đô thị. Công tác báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị của các địa phương còn chưa chủ động, đầy đủ.

"Việc tổ chức triển khai thực hiện quản lý phát triển đô thị tại nhiều nơi còn chưa nghiêm, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phát triển đô thị, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch", Bộ trưởng Hà nhìn nhận trong báo cáo.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, để xử lý triệt để tình trạng cấp phép quá nhiều dự án bất động sản tại các tỉnh, thành. Tới đây, Bộ sẽ có những biện pháp mạnh để tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương đối với việc quy hoạch, cấp phép đầu tư và tiến độ xây dựng các dự án bất động sản, nhất là các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ; giảm thiểu các thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.

Yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án; Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.

Bên cạnh đó cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư¬ kinh doanh bất động sản. Tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân.

Bộ cũng sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản.

Theo Gia Huy

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên