MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản tỉnh lẻ diễn biến thế nào trong mùa dịch Covid-19?

26-06-2021 - 09:09 AM | Bất động sản

Bất động sản tỉnh lẻ diễn biến thế nào trong mùa dịch Covid-19?

Cùng với Tp.HCM, BĐS Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…cũng bị ảnh hưởng về sức cầu trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp tại Tp.HCM và lan rộng ra các địa phương lân cận.

Liên hệ với một môi giới chuyên bán đất nền tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) được biết, khoảng một tháng nay không dẫn được khách đi xem đất, giao dịch chốt nền rất ít. Dịch bùng phát tại Tp.HCM gần như làm gián đoạn luôn việc mua bán giao dịch tại các thị trường lân cận, bởi đa số tham gia mua bán đầu tư đất nền khu vực này đều đến từ Tp.HCM.

Với các thị trường như Bình Dương, Long Thành (Đồng Nai) hay Long An, giao dịch và sức cầu đều có hiện tượng giảm tốc so với thời điểm tháng 3/2021. Nhiều kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp cũng phải lùi lại do tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19. Một doanh nghiệp bán đất nền Long An chia sẻ, kế hoạch mở bán giai đoạn tiếp vào giữa tháng 5/2021 nhưng dịch khó lường nên lùi kế hoạch, mà tình hình này cũng không biết lùi đến khi nào. Vị này cho biết, sau Tết nguyên đán, lượng khách hàng quan tâm đến dự án khá tốt, nhưng đến tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát, việc tổ chức mở bán khó khăn cũng khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị gián đoạn.

Ghi nhận cho thấy, sau khi đợt dịch lần 3 được kiểm soát tốt, thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM sôi động. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi ở phân khúc đất nền, nhà phố. Nhiều NĐT cá nhân Tp.HCM tìm kiếm cơ hôi tại các thị trường này. 

Trung tuần tháng 4/2021, ghi nhận tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Nhơn Trạch (Đồng Nai) các phòng công chứng vẫn đông kín người, hoạt động mua bán, sang tên khá sôi nổi. Thế nhưng, hiện liên lạc tại các môi giới cho thấy, hoạt động đã chững lại do Covid. Nhiều khách đầu tư ngại di chuyển vì đang trong đợt bùng mạnh của dịch. Nhiều cuộc hẹn gặp xem đất cũng dời lại, chưa cụ thể thời gian. Các phòng công chứng trên địa bàn một số đã làm việc online, để phòng chống dịch.

Bất động sản tỉnh lẻ diễn biến thế nào trong mùa dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Như vậy để thấy, không chỉ ở Tp.HCM, thị trường BĐS tỉnh thành lân cận cũng đang bị ảnh hưởng rõ nét trong đợt dịch Covid lần 4 này. Theo báo cáo thị trường Tp.HCM và vùng lân cận của DKRA Vietnam, cả Tp.HCM và 4 tỉnh vùng ven ghi nhận có 8 dự án mở bá, nguồn cung đạt 1,039 sản phẩm, bằng 72.9% so với tháng 4/2021 (1,426 sản phẩm) với lượng tiêu thụ đạt 439 sản phẩm, giảm 60.3% so với tháng trước (1,106 sản phẩm).

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM (phân khúc trung cao cấp và cao cấp) và các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương. 

Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai. Từ đây đến cuối 2021, đại diện đơn vị này dự đoán thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động. Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường bất động sản.

Nếu so với giai đoạn trước, thị trường BĐS theo nhận định của chuyên gia sẽ có mức độ hấp thụ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên