MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản TP HCM sẽ "thông" trở lại?

13-04-2019 - 13:19 PM | Bất động sản

Khơi thông tình trạng "tê liệt" đối với thủ tục cấp phép dự án bất động sản mới tại TPHCM là mục tiêu hàng đầu của cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản và lãnh đạo thành phố vừa diễn ra.


Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh "Trong giải quyết hồ sơ dự án, không để tình trạng người đứng đầu trả lời không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao".

Nguồn cung giảm sút nghiêm trọng

Kể từ khi nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cùng một số quan chức TP bị khởi tố bắt tạm giam liên quan đến đất đai từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng không ai dám kí dự án mới tại TP HCM đã khiến thị trường thiếu nguồn cung nghiêm trọng.

Báo cáo về tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, 3 tháng đầu 2019, các doanh nghiệp bất động sản lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trên địa bàn TP HCM bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thị trường về lâu dài.

Cụ thể trong quý 1/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án) giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng do khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Cty Quốc Cường Gia Lai cho biết, hiện nay Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công. Thậm chí trong số 150 ha này, một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố.

Gỡ khó thế nào?

Thời gian qua các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP HCM gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản một phần có nguyên do từ việc nhiều cán bộ quản lý nhà đất sợ trách nhiệm, không dám làm.

Phán ánh về vấn đề này bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng hiện nay, nhiều chuyên viên ở các Sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. Nhân viên không trình hồ sơ thì trưởng phòng và lãnh đạo Sở không thể ký.

Liên quan đến vấn đề này Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết thời gian qua, chính quyền TP đang rất áp lực với việc xử lý những sai phạm vừa qua liên quan đến đất đai. Và cũng rất áp lực với với sự yếu kém của một số cán bộ, nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc. TP đã làm việc với Thành ủy để có thể điều chuyển ngay những cán bộ yếu kém, không dám làm việc.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận khuyết điểm về những chậm trễ của chính quyền TP HCM, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như khó khăn cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS thời gian qua.

Liên quan đến các vướng mắc về thủ tục, tại hội nghị Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết làm thủ tục cần có quy trình, trách nhiệm của ai, ở đâu cần phải tiếp tục hoàn thiện.

"Quy trình nào cũng phải có thời hạn giải quyết, sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP phải có qui định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ. Làm không được thì phải báo lên trên, khó thì mời liên ngành thảo luận, phức tạp quá báo Thành uỷ cho chủ trương, không được nữa báo ra Chính phủ, Quốc hội. Phải nhìn nhận thẳng thắn, cái gì làm được cho doanh nghiệp thì làm tốt hơn, cái gì yếu kém thì cần sửa chữa."- Bí thư Nhân yêu cầu.

Ở một khía cạnh khác nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc trong tình trạng hiện nay, Luật sư Trương Thị Hoà -Phó chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay có những quy định của pháp luật không đồng bộ, chồng chéo nhau. Vì vậy, phải có một bộ phận riêng là các chuyên viên, chuyên gia tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong pháp lý.

Về thủ tục hành chính,là những vướng mắc phổ biến hiện nay, nếu tháo gỡ cho doanh nghiệp thì chính là tháo gỡ cho công dân có nhà, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp. Bà Hoà cũng cho biết, các vướng mắc tập trung đa số vào vấn đề tiền sử dụng đất, tức liên quan đến tài chính. Liên quan đến đất công thì tài chính càng vướng mắc, cần những người chuyên môn để tháo gỡ.

Theo Công Thương

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên