Bất động sản TP.HCM 'tuyệt chủng' chung cư giá rẻ
Từ Quý II/2020 tới nay, phân khúc căn hộ chung cư TP.HCM đã không còn xuất hiện dự án căn hộ giá rẻ. Thay vào đó căn hộ cao cấp đã chiếm trên 80% sản phẩm của phân khúc này bán ra thị trường.
Không có căn hộ giá rẻ mở bán
Theo số liệu bất động sản Quý III/2020 của Bộ phận nghiên cứu thị trường R&D thuộc Công ty CP DKRA Vietnam thì trong Quý III TP.HCM ghi nhận 15 dự án mở bán trong đó có 3 dự án mới và 12 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án đã mở bán trước đó với khoảng 6.374 căn hộ, cao gấp 2,6 lần quý II/2020 (2.425 căn hộ), bằng 46,0% cùng kỳ năm trước (13.853 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 79,8% (5.088 căn) trên nguồn cung mới, gấp 2,9 lần Quý II (1.765 căn), bằng 38,2% cùng kỳ năm trước (13.336 căn).
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thị trường nguồn cung và tiêu thụ căn hộ từ năm 2019 tới nay có thể thấy sự sụt giảm nguồn cung và tiêu thụ. Cụ thể, ở Quý I/2019 có tới 2.931 sản phẩm được mở bán với 2.868 sản phẩm được bán ra thành công. Quý II có 2.589 sản phẩm mở bán và 2.047 sản phẩm bán ra, tới Quý III có tới 13.853 sản phẩm được mở bán và tiêu thụ được 13.336 sản phẩm. Quý VI có 5.141 sản phẩm được mở bán và tiêu thụ được 4.443 sản phẩm.
Nhưng bước vào Quý I/2020 tình hình "hẩm hiu" hơn hẳn. Cụ thể chỉ có 1.547 sản phẩn mở bán và tiêu thụ được 1.146 sản phẩm. Tới Quý II thì có 2.425 sản phẩm mở bán và tiêu thụ được 1.765 sản phẩm. Tới Quý III thì có khả quan hơn với 6.374 sản phẩm mở bán và có 5.088 sản phẩm bán ra thành công.
Điều đáng nói ở thị trường này là dù lượng hàng bán ra lên tới con số hàng ngàn, nhưng phân khúc chủ yếu lại là phân khúc cao cấp, với mức giá trên 3 tỷ đồng/căn hộ. Cụ thể, Quý III căn hộ cao cấp chiếm 87,2% hàng sang là 1,5% và trung cấp là 11,3% và tuyệt nhiên không có căn hộ giá rẻ dưới 1 tỷ đồng/căn. Ở Quý II/2020 tình cảnh cũng tương tự, cụ thể hạng Sang chiếm 18% số lượng hàng mở bán, Cao cấp là 27% số lượng căn hộ mở bán và trung cấp là 55%. Trong khi đó sản phẩm giá rẻ lại không có trên thị trường, trong khi đây được coi là phân khúc mà người dân tìm mua nhiều nhất trên thị trường bất động sản TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Công ty CP DKRA Vietnam cho rằng, ở Quý VI/2020 nguồn cung hàng mới sẽ duy trì mức tương đương với Quý III/2020, dao động ở mức 6.500 - 7.000 sản phẩm.
"Phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nguồn cung mở bán, thị trường tiếp tục vắng bóng phân khúc giá rẻ", ông Hoàng nhận định.
Bộ xây dựng sẽ khôi phục nguồn cung nhà ở giá rẻ
Trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết.
Về nguồn cung nhà ở, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đ/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Số liệu về biến động chỉ số giá đối với nhà ở cụ thể như sau: tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%), đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng). Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Để giải quyết việc giá bất động sản tăng nóng như hiện nay, Bộ trưởng Hà đã đưa ra đề xuất trong báo cáo trình Quốc hội Bộ Xây dựng đó là thời gian tới sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu hàng hóa bất động sản cho hợp lý, huy động nguồn lực đa dạng hơn, thông tin thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khắc phục những yếu kém, tồn tại để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.
Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt và tổ chức triển khai kịp thời các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; nắm bắt tình hình diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn; lập và điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp. Trong đó, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt vốn ngân sách, bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội 2.163 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất ưu đãi, trong đó phân bổ 1.163 tỷ đồng giai đoạn 2018-2019 và 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 (đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn 2016-2020).
Chính phủ đã quyết định cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội và cấp bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2).
Nhà đầu tư