MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản Việt Nam đón đầu vốn Nhật

07-01-2019 - 08:31 AM | Bất động sản

Sau Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản là “tay chơi” mới nổi ở thị trường bất động sản (BĐS) Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng hơn 30.000 căn hộ cao cấp tại Đông Nam Á và đang có kế hoạch phát triển thêm khoảng 80.000 căn hộ mới trong 5 năm tới.

Doanh nghiệp Nhật đổ bộ

Nhật Bản từ lâu đã quan tâm đến thị trường BĐS Đông Nam Á, nhưng thực sự mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do khu vực này có tốc độ tăng trưởng nhanh và thị trường BĐS đang phát triển nóng.

Trong giai đoạn 2012- 2017, Nhật Bản đã rót 22 tỷ USD vào thị trường BĐS của các nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Trong 19 lĩnh vực mà Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, BĐS đứng thứ 3 về quy mô nguồn vốn. Có thể kể ra những dự án BĐS lớn, như: City Gate Towers, River City, Flora Anh Đào, Fuji Residence, Kikyo Residence… Trong đó đáng chú ý Tập đoàn Mitsubishi đầu tư 290 triệu USD để hợp tác cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển nhà ở tại dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội) đã gây tiếng vang trên thị trường BĐS Việt Nam.

Xoay xở để tận dụng

Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và mở rộng điều kiện cho phép sở hữu BĐS đối với người nước ngoài, BĐS Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cơ cấu dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là lợi thế của BĐS Việt Nam.

Tuy nhiên, các lợi thế “cứng” nói trên sẽ dần mất, nên Việt Nam cần tập trung vào các lợi thế “mềm” là chính sách pháp luật. Hiện nay, việc đấu giá đất, đấu thầu dự án vẫn chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Bản thân các doanh nghiệp trong nước còn khó tham gia thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều.

Các doanh nghiệp Nhật có lợi thế vốn giá rẻ, nên các doanh nghiệp BĐS trong nước nên xúc tiến thành lập liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản để tận dụng cơ hội này để phát triển các dự án. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, mà còn có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xem xét giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép thực hiện chứng khoán hóa BĐS để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại tham gia sâu vào thị trường BĐS Việt Nam.

Theo Trương Khắc Trà

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên