Bất động sản sẽ chuyển mình nhờ 3 văn bản pháp lý?
Trong tháng 11 này, BĐS lại đón thêm tin vui khi một loạt 3 văn bản pháp lý đồng loạt được ban hành đã củng cố thêm cho niềm tin vào sự phục hồi của thị trường BĐS.
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã có dấu hiệu ấm lên trong hai năm trở lại đây khi lượng giao dịch tăng liên tục. Theo đó, chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2014, tại Hà Nội, lượng giao dịch thành công đã lên xấp xỉ 10.000 vụ, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, ngay trong tháng 11 này, BĐS lại đón thêm tin vui khi một loạt 3 văn bản pháp lý đồng loạt được ban hành đã củng cố thêm cho niềm tin vào sự phục hồi của thị trường BĐS.
Đầu tiên là thông tư 32/2014/TT-NHNN ban hành ngày 18/11/2014 có hiệu lực từ 25/11 đã “nới lỏng” điều kiện được vay vốn gói 30.000 tỷ, giúp cho phân khúc nhà ở giá thấp được hưởng lợi rất nhiều.
Ngay sau đó, ngày 25/11, Quốc Hội cũng đã chính thức thông qua Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) & Luật nhà ở (sửa đổi). Hai sắc luật địa ốc này được kỳ vọng thổi thêm sức sống mới cho thị trường BĐS Việt Nam.
Theo nhận định của FPTS, Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2015 được mong đợi sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường BĐS và hoạt động thị trường hiệu quả hơn. Với việc thêm vào điều kiện Doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định trên 20 tỷ đã sàng lọc được một số doanh nghiệp yếu kém, giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc “nới” các điều kiện kinh doanh BĐS cho các cá nhân và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một động lực thúc đẩy thị trường, sẽ thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại đổ vào thị trường.
Thêm vào đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này có lẽ là một điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi các văn bản pháp lý được thông qua lần này đối với BĐS với việc “mở” quyền được sở hữu nhà ở của Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.
Lâu nay, vấn đề cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn luôn là vấn đề nóng, do quan ngại về vấn đề an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên,thị trường BĐS tại thời điểm hiện tại rất cần dòng vốn ngoại hỗ trợ. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để kích thích phát triển đầu tư, thu hút lượng lớn vốn FDI và đảm bảo cam kết hội nhập của Việt Nam.
Theo nhận định của FPTS, “điều khoản đáng chú ý nhất về việc cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài và cho người nước ngoài, tổ chức nước ngoài được sở hữu BĐS tại Việt Nam hứa hẹn đưa dòng vốn ngoại (FDI, kiều hối) về khơi thông BĐS. Với vị thế là nhà đầu tư, họ sẽ tìm kiếm những đối tác là Doanh nghiệp BĐS trong nước có uy tín và tiềm lực tài chính. Với vị thế là người mua nhà, họ sẽ tìm kiếm các dự án BĐS ở phân khúc cao cấp, biệt thự, nhà liền kề.”
Cũng nhờ sự thông qua của Luật Nhà ở sửa đổi lần này, rất nhiều công ty đầu tư BĐS đã tính đến dòng sản phẩm sẽ bung ra trong thời gian tới. Từ nay đến 1/7/2015 khi Luật này có hiệu lực, các chủ đầu tư chỉ còn chưa đầy 1 năm để chuẩn bị. Nhưng ngay từ bây giờ, đa có rất nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng các sản phẩm cho thời điểm Luật chính thức có hiệu lực. Điển hình đã có một số chủ đầu tư “ém” hàng để chờ thời cơ.
Cùng với hàng loạt chính sách mới, nhiều chuyên gia đã dự báo thị trường bất động sản sẽ có cú hích lớn cả ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp. Là lực đẩy lớn giúp thị trường BĐS lấy lại đà và hồi phục trong thời gian tới.
>> Những tác động của Luật Kinh doanh BĐS-Luật nhà ở sửa đổi đối với Bất động sản
Thanh Mai