MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản TPHCM: Giá nhà ở tiếp tục tăng trong năm 2016?

16-11-2015 - 12:50 PM | Bất động sản

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng hiện thị trường BĐS thành phố có đến 20% là nhà đầu cơ và người đầu tư ngắn hạn. Thị trường phục hồi tốt từ cuối năm ngoái đến nay, nhưng bắt đầu xuất hiện nghịch lý đáng lo ngại là giá nhà đang tăng tỷ lệ thuận với nguồn cung.

Tóm tắt

Một báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy, diễn biến thị trường nhà ở trên địa bàn thể hiện qua giai đoạn 2003-2010 với giá nhà tăng gần 400%, trong đó “cơn sốt” giai đoạn 2007-2008 và 2009-2010 đã đẩy giá nhà lên cao ngất ngưỡng. 

Quan ngại lớn nhất cho thị trường BĐS thành phố trong năm 2016 chính là giá nhà biến động theo hướng tăng, đi kèm với nguồn cung khá nhiều.


Khảo sát thị trường BĐS tại Tp. HCM trong vòng vài tháng trở lại đây, rất nhiều dự án mới được giới thiệu ra thị trường nhưng mức giá chào bán được các chủ đầu tư đưa ra cũng lớn không kém gì quy mô của các dự án.

Một báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy, diễn biến thị trường nhà ở trên địa bán thể hiện qua giai đoạn 2003-2010 với giá nhà tăng gần 400%, trong đó “cơn sốt” giai đoạn 2007-2008 và 2009-2010 đã đẩy giá nhà lên cao ngất ngưỡng. Giá nhà ở hiện tại ở một số phân khúc đã “chạm” ngưỡng của giai đoạn sốt nóng trên, tức có dự án hiện đang chào bán giá từ 80-120 triệu đồng/m2, biệt thự đơn lập tại quận 9 có lúc bán với giá 25 tỷ đồng/căn.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho rằng cơ cấu thị trường BĐS đang mất cân đối lớn, chủ yếu căn hộ để bán, thiếu căn hộ cho thuê, tập trung nhiều ở phân khúc nhà ở cao cấp, căn hộ thương mại nhưng lại thưa thớt dự án nhà ở xã hội. Mặt khác, thị trường phát triển theo kiểu tự phát, giá bán không ổn định, chưa đúng với giá trị thực.

Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Kinh tế Tp.HCM, “thị trường BĐS thành phố kém minh bạch về chỉ số giá. Hiện nay giá bán nhà ở không được kiểm soát, chủ đầu tư và môi giới thường “bắt tay” đẩy giá lên, một nguyên nhân là do thủ tục pháp lý thực hiện một dự án BĐS khá dài từ 2-3 năm, do vậy họ luôn đẩy giá về phía người mua”.

“Theo lẽ thông thường hàng nhiều, bán ế thì giá sẽ giảm và người có nhu cầu sở hữu căn hộ thực sự phải dễ dàng tiếp cận được sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay diễn biến hoàn toàn ngược lại. Tức là thị trường BĐS đang tồn tại một nghịch lý “cung tăng, tồn kho nhiều nhưng giá không giảm” , ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc công ty Đất Lành, cho biết.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với chúng tôi mới đây, bà Dương Thủy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn cũng khẳng định rằng quan ngại lớn nhất cho thị trường BĐS thành phố trong năm 2016 chính là giá nhà biến động theo hướng tăng, đi kèm với nguồn cung khá nhiều.

Ông Đực thì cho rằng các doanh nghiệp BĐS đang tranh nhau phát triển nhà trung - cao cấp mà bỏ qua phân khúc trung bình – thấp, giá tầm 11-13 triệu đồng/m2. Nhu cầu rất lớn của thị trường hiện nay là dự án nhà ở bán dưới 800 triệu đồng. Do vậy, chúng ta cần có những chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ phát triển các sản phẩm phục vụ đại đa số người dân.

Chung quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, đưa ra khuyến nghị rằng nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng hơn nữa, nhất là hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng những dự án đã bồi thường được từ 80% diện tích trở lên. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với 502 dự án nhà ở đang ngưng triển khai, vốn là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường BĐS thành phố.

Mặt khác, cũng theo ông Châu, để giá nhà có thể giảm, thành phố cũng cần có cơ chế xác định chi phí doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng tiến tới khắc phục tình trạng gần như doanh nghiệp phải mua đất với hai lần giá như hiện nay, đây là nguyên nhân làm giá nhà tăng và cuối cùng người mua phải gánh chịu.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên