Bí ẩn những bệnh viện Sài Gòn, Hà Nội xây mãi không xong
Có những dự án xây bệnh viện (BV) cứ mãi nằm trên giấy, chờ mãi chưa thấy ngày khởi công. Cũng có BV thì xây dở dang rồi bỏ hoang hết năm này sang năm khác.
- 21-05-2015Hà Nam: Bệnh viện đa khoa hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang
- 15-04-2015Cận cảnh bệnh viện quốc tế 50 triệu USD bỏ hoang giữa Hà Nội
Thực tế này diễn ra trong khi có rất nhiều BV rơi vào cảnh quá tải một cách khủng khiếp, người bệnh phải nằm ghép hoặc kê giường chật kín hành lang.
Dự án nằm trên giấy
Hai trong năm dự án y tế trọng điểm trong chương trình giảm tải BV của TP.HCM hiện nay vẫn còn trên giấy. Đó là BV Ung bướu cơ sở 2 và BV Chấn thương chỉnh hình mới.
Dự án BV Chấn thương chỉnh hình mới gặp nhiều vướng mắc từ khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, quỹ đất hoán đổi, cho đến việc phải thiết kế lại từ đầu do thay đổi quy mô dự án.
Theo thỏa thuận của hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), chủ đầu tư sẽ tự bỏ vốn ra xây dựng công trình mới, đổi lại chủ đầu tư được mua chỉ định, không qua đấu giá lô đất BV Chấn thương chỉnh hình cũ ở khu 929 Trần Hưng Đạo (Q.5).
Chủ đầu tư đề nghị UBND TP cho phép định giá khu đất BV cũ cùng thời điểm các cơ quan chức năng duyệt dự án đầu tư BV mới. Đề xuất này không được cơ quan chức năng đồng ý, khiến chủ đầu tư bế tắc vì không có phương án hoàn vốn để thế chấp cho các tổ chức tín dụng.
Cuối năm 2015, chủ đầu tư đề nghị hoán đổi bốn lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gần đại lộ Vòng Cung) với tổng diện tích hơn 39.000m2 nhưng chưa được UBND TP đồng ý. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục để duyệt lại thiết kế của dự án bởi quy mô dự án thay đổi so với trước đây.
Thiết kế mà chủ đầu tư chuẩn bị từ năm 2011 có diện tích xây dựng khoảng 5.000m2, nay dự án tăng quy mô lên hơn 7.000m2, phải thiết kế lại. Như vậy, sau hơn 5 năm khởi động, dự án BV Chấn thương chỉnh hình mới gần như trở lại giai đoạn đầu, chưa biết khi nào được khởi công.
Theo dự kiến ban đầu, dự án BV Chấn thương chỉnh hình sẽ hoàn thành vào năm 2012. Thế nhưng đến tháng 5-2014, UBND huyện Bình Chánh mới duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Ban đầu, người dân trong khu quy hoạch này còn háo hức chờ đợi được bồi thường nhanh để chuyển chỗ ở mới. Nhưng khi Nhà nước tiến hành bồi thường thì các hộ dân lại không đồng ý về giá cả.
Nhiều hộ dân, kể cả những hộ có nhà được bồi thường theo giá đất cao nhất, vẫn không đủ tiền để mua đất tái định cư do UBND huyện bố trí.
Dự án BV Ung bướu cơ sở 2 (Q.9) cũng có thâm niên hơn 6 năm chuẩn bị. Kế hoạch khởi công vào tháng 4-2015 bị ngừng lại ở “phút 89” vì bị một liên doanh tham gia đấu thầu thi công khiếu nại kết quả thầu. Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu lại.
Thông tin từ ban quản lý dự án thuộc sở cho biết sẽ hoàn tất các thủ tục để khởi công trong tháng 3 theo chỉ đạo của UBND TP.
Dự án BV Ung bướu cơ sở 2 khởi động từ năm 2009. Theo kế hoạch ban đầu, BV này đi vào hoạt động trễ nhất là năm 2013 nhưng đến nay vẫn còn trên giấy. Nguyên nhân chậm trễ là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu vừa ra “tối hậu thư” cho Sở Y tế phải khởi công BV Ung bướu cơ sở 2 (Q.9) trong tháng 3-2016. Điều này cho thấy chính lãnh đạo TP rất sốt ruột vì sự ì ạch của các công trình y tế trọng điểm.
Dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội với tổng số vốn đầu tư hơn 50 triệu USD sau hơn 10 năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành và bị bỏ hoang giữa lòng Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đầu tư gần 200 tỉ đồng rồi... bỏ hoang
Theo bà Nguyễn Thị Minh - nguyên giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, dự án BV 700 giường bắt đầu khởi động từ năm 2007, với quy mô là BV vùng đồng bằng nam sông Hồng.
“Lúc đầu có vốn thì xây dựng ầm ầm, nhưng từ năm 2012 đến giờ gần như bỏ hoang, đi qua lúc nào cũng là mấy dãy nhà thô nằm trơ trơ, tôi cứ lo mục bêtông rồi mà BV chưa xong” - bà Minh ta thán.
Ông Bùi Đức Long - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết ban đầu Chính phủ chấp thuận cho đầu tư dự án này bằng vốn trái phiếu chính phủ, nhưng sau đó Quốc hội lại không đồng ý nên không có vốn.
“Năm 2015 có nhúc nhắc thêm, nhưng gần như không có thêm vốn khiến công trình vẫn để đấy” - ông Long nói. Tổng vốn đầu tư BV 700 giường đang dở dang là khoảng 40 triệu USD, trong ba năm 2010-2012 được rót khoảng 1/4 số tiền này.
Trong thời gian đầu tư BV 700 giường, tỉnh Nam Định lại đề xuất Bộ Y tế và tìm các nguồn vốn khác để đầu tư khoảng 135 tỉ đồng cho BV đa khoa tỉnh. BV này đã đi vào hoạt động, có quy mô hơn 600 giường bệnh.
Đó là chưa kể Bộ Y tế đang xây dựng BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, mỗi BV quy mô 1.000 giường ở ngay Hà Nam là hàng xóm với Nam Định.
Trước tình hình như vậy, BV vùng đồng bằng nam sông Hồng tại Nam Định đang có nguy cơ có làm xong cũng bỏ hoang, 200 tỉ đầu tư có thể “bay theo gió”.
Bệnh viện “đắp chiếu” gần 20 năm
Nằm giữa khu đất “vàng” - mặt tiền nhìn ra hồ nước công viên Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), BV quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (thường được gọi là BV Việt Mỹ) nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay. Dù chưa xong phần thô nhưng BV đang được rào chắn bằng hàng rào kiên cố, có bảo vệ đứng gác không cho người lạ vào bên trong.
Nhiều người dân ở khu vực xung quanh cho biết cứ khoảng 5-7 ngày lại thấy một số nhóm thợ đến đây xây dựng, khoan lắp, rồi lại thấy họ phá dỡ.
Cụ Hà Trọng Thi - cư dân khu tập thể Dịch Vọng, một trong những người từng đấu tranh quyết liệt phản đối dự án xây dựng BV Việt Mỹ trong khu dân cư - cho biết BV được xây dựng trên nền khu đất rộng ngay bên hồ.
“Chúng tôi nhiều lần phản đối, kiến nghị lên thành phố với những lý do chính: việc xây dựng BV ngay sát khu dân cư sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan khu chung cư. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi còn được biết BV được xây dựng trên khu đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng BV là từ 1,5ha trở lên. Năm 2007 BV này bắt đầu khởi công và dừng lại, đến năm 2009 tiếp tục xây dựng, đến nay vẫn để dở dang” - cụ Thi nói.
Theo hồ sơ của BV quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội gửi Sở Y tế Hà Nội, nhà đầu tư BV được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, khởi công tháng 8-2007, tháng 2-2011 hoàn thiện phần thô, năm 2012 hoàn thiện kiến trúc phần thân, năm 2015 là giai đoạn thi công phần cơ điện, khuôn viên sân vườn của BV, từ tháng 1 đến tháng 10-2016 sẽ tiếp tục thi công để hoàn thiện và lắp đặt xong toàn bộ thiết bị y tế cho 500 giường bệnh của BV để đi vào hoạt động.
Tuy nhiên điều đáng nói là thời gian hoạt động của dự án theo giấy phép cấp năm 1997 là 40 năm, cho đến năm 2016 thì đi được phân nửa thời gian hoạt động nhưng BV vẫn chỉ là một tòa nhà đang dần xuống cấp.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương - phó tổng giám đốc BV - cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là chậm giải phóng mặt bằng phần đất sẽ làm thảm cỏ, cây xanh cho BV. BV còn gửi nhiều công văn lên các bộ, ban ngành để xin được miễn thuế đất nhưng chưa được giải quyết.
BV đã nhập thiết bị điều hòa không khí tổng của tòa nhà trị giá trên 1,1 triệu USD, theo hợp đồng thì điều hòa xuất xứ Malaysia, khi nhận hàng thì không có nguồn gốc xuất xứ và một số là xuất xứ Trung Quốc, nên BV phải kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế.
Nhà thầu cung cấp hệ thống điện nhưng mới lắp được một ít dây rồi bỏ trốn.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết do BV chưa đạt yêu cầu đối với tiêu chí về nhân sự và trang thiết bị, chưa đáp ứng tiêu chuẩn miễn phí tiền thuê đất.
Tính đến giữa năm 2012, theo Chi cục Thuế Q.Cầu Giấy (Hà Nội), BV quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội đang nợ khoảng 65.000 USD tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở Q.9, TP.HCM vẫn là miếng đất trống bỏ hoang (ảnh dưới), trong khi kế hoạch ban đầu hoành tráng như bản vẽ (ảnh trên) là chậm nhất phải đưa vào sử dụng năm 2013 - Ảnh: Tự Trung
Khởi công rồi... để đó
Đó là tình trạng của dự án BV Đa khoa huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Theo phản ảnh của người dân địa phương, BV Đa khoa huyện Mỏ Cày Bắc được khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay mới chỉ xây xong phần tường rào và nhà bảo vệ. Xây xong hai hạng mục trên, dự án BV nằm im lìm cho đến nay.
Ông Nguyễn Duy Linh - phó giám đốc Sở Y tế Bến Tre - cho biết tháng 5-2009, tỉnh Bến Tre có quyết định tách huyện Mỏ Cày thành hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc.
Năm 2010, dự án xây dựng BV Đa khoa huyện Mỏ Cày Bắc được phê duyệt và triển khai khởi công vào năm 2011. Dự án do Sở Y tế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 263 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn đối ứng của địa phương.
Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, tỉnh tự bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng, xây hàng rào để tránh tình trạng tái lấn chiếm. Tuy nhiên, sau đó do thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công thì dự án BV Đa khoa huyện Mỏ Cày Bắc bị thiếu vốn và đình trệ cho đến nay.
Theo ông Linh, trước tình hình nguồn vốn eo hẹp, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch - đầu tư phương án mới nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo đó, dự án BV Đa khoa Mỏ Cày Bắc sẽ giảm quy mô xuống còn khoảng 50 giường bệnh, giảm hơn một nửa so với ban đầu, nguồn vốn đầu tư dự kiến cũng sẽ giảm từ 263 tỉ xuống còn khoảng 150 tỉ đồng.
Nếu được sự đồng ý của cơ quan chức năng, dự kiến dự án sẽ được tái khởi động vào năm 2017.
Bệnh viện 38,6 triệu USD chờ... bệnh nhân
Đó là thực trạng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bệnh viện này được đầu tư xây mới thật hoành tráng với quy mô 500 giường bệnh. Tuy nhiên, sau hơn ba năm đi vào hoạt động, bệnh viện này vẫn vắng lạnh vì thiếu bệnh nhân.
Năm 2009, Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế được xây mới với kinh phí 38,6 triệu USD, có quy mô 500 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại hoàn chỉnh, chủ yếu được nhập nguyên chiếc từ châu Âu và Hàn Quốc, đảm bảo cho khoảng 750 lượt người khám chữa bệnh mỗi ngày.
Đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 nhưng hiện bệnh viện này chỉ hoạt động với quy mô 200 giường bệnh nội trú.
Theo tìm hiểu, do không có bệnh nhân, khoa này đóng cửa không hoạt động từ lâu, hệ thống máy móc và giường bệnh phủ dày bụi bẩn. Tương tự, hàng loạt khoa ở bệnh viện cũng đang dán niêm phong, nhiều khoa chưa một ngày hoạt động. Hàng trăm giường bệnh và máy móc, thiết bị trị giá hàng trăm tỉ đồng bị bỏ lãng phí.
Điển hình như máy chụp cộng hưởng từ (MRI) được bệnh viện đầu tư mua mới trị giá hàng chục tỉ đồng, nhưng trong hai năm nay không chụp cho một ca bệnh nào.
Khu vực nội soi, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng thì lúc nào cũng đìu hiu, không thấy bóng dáng bệnh nhân và nhân viên y tế. Riêng các khoa tâm thần, da liễu, khoa thăm dò chức năng... không hoạt động vì thiếu nhân lực và không có bệnh nhân.
Ông Nguyễn Nam Hùng, giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, thừa nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoạt động không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ông Hùng giải thích là bệnh viện chỉ mới hoạt động ba năm, chưa xây dựng được thương hiệu, người dân chưa biết nhiều nên chưa thu hút được bệnh nhân vào khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế và lãnh đạo các trung tâm y tế huyện thị ở Thừa Thiên - Huế lại cho rằng Bệnh viện Đa khoa tỉnh “chết” không chỉ vì bệnh viện chưa có thương hiệu, nguyên nhân quan trọng là địa điểm xây dựng (tại xã Phong An, huyện Phong Điền) không hợp lý, quá xa trung tâm TP Huế (cách khoảng 25km).
“Trước khi xây dựng, có nhiều ý kiến góp ý với Sở Y tế không nên đầu tư xây dựng bệnh viện tỉnh quá xa trung tâm TP Huế. Với vị trí bệnh viện hiện tại sẽ rất khó thu hút được bệnh nhân, nhất là không thu hút được đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc lâu dài. Bệnh viện “chết” là không thể tránh khỏi” - một lãnh đạo bệnh viện đa khoa ở Huế khẳng định.
Ông Trần Bùi, phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế, cũng thừa nhận bệnh viện ở xa trung tâm TP Huế là một trở ngại rất lớn.
“Ở vùng này dân cư thưa thớt, chưa đến 7.000 thẻ bảo hiểm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Số lượng bệnh nhân ít, không thể tăng giường bệnh theo kế hoạch. Do ở xa trung tâm TP nên các bác sĩ không mặn mà tới làm việc” - ông Bùi nói.
Trước tình trạng ế ẩm như vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cuối năm 2015, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sẽ chuyển giao Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế cho Bệnh viện Trung ương Huế.
GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh viện này đang lập đề án tiếp nhận Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế.
NGUYÊN LINH
Tuổi Trẻ