MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biệt thự cổ 35 triệu USD tại TPHCM sẽ được dùng làm gì sau khi đổi chủ?

03-11-2015 - 13:57 PM | Bất động sản

Ngôi biệt thự có tuổi thọ hơn 100 năm trên đường Võ Văn Tần, quận 3 từ 8 năm trước được rao bán với giá 47 triệu USD. Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc ngã giá, chủ nhân của ngôi biệt thự đã giảm xuống còn 35 triệu USD,.

Tóm tắt

Căn biệt thự cổ 100 năm kiến trúc kiểu Pháp có diện tích hơn 2.800m2 tọa lạc trên 3 mặt tiền Đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thành Quan và Nguyễn Thị Diệu tại quận 3, vẫn được xem là trường tồn nhất qua thời gian phát triển của Tp.HCM.


Hiện nay, chủ nhân mới của ngôi biệt thự này đang còn là một "ẩn số", nhưng mọi việc chỉnh trang lại bộ mặt công trình này đã được hoàn tất để đón người mới dọn vào sinh sống. Có nhiều nguồn tin cho rằng công trình này được một tập đoàn đầu tư nước ngoài mua lại, còn theo thông tin chúng tôi tim hiểu được, có khả năng biệt thự cổ này sẽ thuộc quyền sở hữu của một đại gia trong làng bất động sản Tp.HCM.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện trên toàn thành phố có hơn 1.000 biệt thự cũ, chủ yếu là các ngôi biệt thự được xây dựng trong thời kỳ Pháp (1859-1954), tập trung ở các quận 1, 3, 5 và rải rác ở các quận Phú Nhuận, Bình Thành, Thủ Đức. Đa số các biệt thự này được xây dựng dành cho sĩ quan và công chức Pháp, người bản địa có địa vị xã hội và những người giàu có.

Về đặc trưng cảnh quan, biệt thự thời kỳ này được xây dựng trên các con đường rộng rãi, vỉa hè trồng nhiều cây cao lấy mát. Sân vườn biệt thự thường là một vườn hoa nhỏ, cây trồng được chọn lựa cẩn thận và sắp đặt có chủ đích từ các loại cây thân thảo đến các loại cây thân mọc tầng cao.

Chẳng hạn, căn biệt thự cổ 100 năm kiến trúc kiểu Pháp có diện tích hơn 2.800m2 tọa lạc trên 3 mặt tiền Đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thành Quan và Nguyễn Thị Diệu tại quận 3, vẫn được xem là trường tồn nhất qua thời gian phát triển của Tp.HCM.

Được biết, chủ nhân của căn nhà hiện đã ngoài 80 tuổi, căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng hiện trạng căn biệt thự không hề thay đổi. Căn biệt thự được xây dựng bằng vật liệu cao cấp chuyển trực tiếp từ Pháp về Việt Nam được hàng trăm thợ giỏi nghề xây trong vòng 1 năm mới xong.

Theo tài liệu còn lưu lại, ngôi biệt thự này được xây bởi một người vô cùng giàu có ở Sài Gòn. Sau khi xây dựng không lâu, ngôi biệt thự này được bán lại cho một đại phú hộ có vị thế ở Sài Gòn xưa. Khi mua lại người này đặt tên là “Biệt thự Phương Nam”, rồi tặng cho người con gái của mình làm của hồi môn. Sau khi lấy chồng, cô gái sinh được 7 người con và tất cả đều sinh sống ở biệt thự Phương Nam. Sau đó những người con của cô xây dựng gia đình rồi nước ngoài định cư. Tuy nhiên, theo thừa kế thì biệt thự này thuộc quyền sở hữu của cả 7 người con, quyền lợi của mọi người là như nhau.

“Mục đích mua ngôi biệt thự cổ tại quận 3 theo tôi cũng nhắm đến việc sinh sống là chính, sau đấy có thể sửa sang lại để kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đây là ngôi biệt thự nằm trong danh mục cần được bảo tồn về mặt kiến trúc, văn hóa và lịch sử của Tp.HCM, do vậy chủ nhân chỉ có thể được sở hữu, sửa chữa, nâng cấp thêm để ở, nhất là phần nội thất bên trong. Còn toàn bộ phần kiến trúc tòa nhà vẫn phải giữ nguyên hiện trạng như ban đầu, chỉ được “trang điểm” lại nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo nét độc đáo cho công trình”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nói.

Cũng theo ông Châu, do không được bảo quản đúng cách nên ngôi biệt thư trên đang xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói vỡ, tường bám đầy rêu xanh, loang lổ mốc, một phần công trình bị đục khoét, cơi nới cho thuê làm bãi giữ xe, bán cà phê, bán hàng rong… Do đó, trước tiên chủ nhân mới sẽ bắt buộc phải làm mới lại toàn bộ hình ảnh công trình này trong thời gian tới.

Theo quy định hiện nay, nhà thuộc dạng biệt thự muốn thay đổi hiện trạng, kết cấu đều phải thông qua Sở Quy hoạch - kiến trúc Tp.HCM thẩm định và được sự cho phép của UBND TP.HCM.

“Ngay cả ngôi biệt thự cũ tại số 36 Trần Cao Vân, quận 1 của tôi ngày xưa chỉ khoảng 300m2 muốn phá dỡ để xây lại cũng phải có sự phê chuẩn rất lâu của UBND Tp.HCM. Theo tôi được biết, cũng có người từ lâu đã có ý định mua căn nhà này để làm một chỗ thờ tự của dòng họ, vì thế việc chỉnh trang lại công trình sẽ không tốn nhiều chi phí”, ông Châu nói.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, cho rằng việc bảo tồn một ngôi biệt thự cổ cần xem xét trên nhiều yếu tố như: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, vai trò đối với cảnh quan môi trường khu vực… để cân đối lợi ích khi thực hiện bảo tồn hay phá bỏ, xây mới.

Bên cạnh đó, một công trình có giá trị lịch sử ngoài giá trị văn hóa còn mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Chẳng hạn, tăng tính hấp dẫn của thành phố về đầu tư, du lịch... Mỗi công trình cổ tồn tại đều rất quý. Tuy nhiên, đã giữ thì phải có chính sách bảo tồn, vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu. Không thể bắt người dân tự bỏ tiền bảo trì.

Các công trình do người Pháp xây dựng ở Sài Gòn tồn tại đến hôm nay:

Tòa án Nhân dân Tp.HCM (xây dựng năm 1881), Dinh Gia Long (xây dựng năm 1885, nay là Bảo tàng Cách mạng), khách sạn Continental (xây dựng năm 1880), khách sạn Majestic xây dựng cùng năm với nhà thờ Đức Bà (1877), Bưu điện Sài Gòn (xây dựng từ 1886 đến 1891), Tòa Đô chính hay còn gọi là Dinh Xã Tây, nay là trụ sở UBND TPHCM xây khoảng năm 1907, Nhà hát thành phố khánh thành ngày 1-1-1900, chợ Sài Gòn tức chợ Bến Thành xây dựng từ 1912 đến 1914, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm bên trong Thảo cầm viên xây dựng từ 1927 đến 1938, Kho bạc Sài Gòn xây dựng cuối năm 1920…

Ngoài ra, còn có Trường Gia Long (nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai) xây dựng 1913; Trường Trung học Chasseloup-Laubat (tức Trường PTTH Lê Quý Đôn ngày nay) xây dựng năm 1874; Trường College Fraternite xây dựng năm 1908 (nay là Đại học Sài Gòn). Trường Marie Curie xây dựng năm 1918. Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) xây dựng năm 1925…

 

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên