Bộ trưởng Ngoại giao được quyền cho thuê đất một số trường hợp
Gỡ vướng việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Việt Nam...
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo gỡ vướng việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau gần hai năm thực hiện Quyết định 56/2014 của Thủ tướng về quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã gặp một số khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm việc cho các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 3 Quyết định số 56/2014 của Thủ tướng được tạm thời thuê các cơ sở nhà, đất đang trong quá trình lập phương án bố trí sử dụng, hoặc giới thiệu và đàm phán để tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê.
Bộ Ngoại giao ban hành quy định về điều kiện và phương thức cho thuê, trong đó có quy định cụ thể nội dung về điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp bên cho thuê lấy lại nhà để phục vụ mục đích đối ngoại.
Hàng năm, Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện việc cho thuê nhà đối với các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 3 Quyết định số 56/2014.
Theo quy định của Thủ tướng, đối tượng được thuê các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc Liên hiệp quốc, tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Ngoài ra văn phòng nước ngoài gồm: văn phòng đại diện của các tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện của các hãng thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình, văn phòng đại diện và văn phòng dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng thuộc diện được thuê các cơ sở nhà đất.
VnEconomy