Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chúc ước mơ có nhà trở thành hiện thực
Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản đã được hồi phục và nguồn cung nhà ở ngày càng nhiều hơn, giá cả nhà ở cũng ổn định hơn.
- 09-02-2015Quy hoạch không gian cho các dự án nhà ở xã hội
- 16-01-20152015 là năm bản lề gỡ tồn kho bất động sản, phát triển nhà ở xã hội
- 14-01-2015TP.HCM: Hàng nghìn căn nhà ở xã hội sẽ tung hàng năm 2015
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 22/2, vị khách mời đầu tiên của năm Ất Mùi 2015 là Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ chia sẻ những cơ hội sở hữu nhà cũng như triển vọng của thị trường bất động sản năm nay.
Thưa Bộ trưởng, năm 2014, kinh tế trong nước đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trong đó, lĩnh vực bất động sản đã dần ấm lên. Theo đánh giá của Bộ trưởng, các chính sách nào đã phát huy tác dụng?
Một trong những quan điểm quan trọng nhất và quyết định sự hồi phục của thị trường bất động sản chính là quan điểm về việc gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Chiến lược nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011 yêu cầu phải đảm bảo, cải thiện nhà ở cho người dân, gồm cả người giàu và người nghèo.
Trong chiến lược đó đã quy định rõ cùng lúc chúng ta phải vừa phát triển nhà ở thị trường hàng hóa, tức là nhà ở thương mại để thỏa mãn nhu cầu của những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Mặt khác là phải phát triển loại nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức là nhà ở xã hội để cải thiện nhà ở cho những người không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.
Do đó, nếu việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với chiến lược nhà ở quốc gia thì phải cấu trúc lại thị trường bất động sản, cấu trúc lại các sản phẩm bất động sản để có nhiều loại và phù hợp với nhiều đối tượng của thị trường.
Đặc biệt là việc phát triển nhà ở xã hội chính là một động lực hết sức quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, tạo cơ hội cho những người khó khăn về nhà ở nhưng không có đủ tiền để mua nhà hoặc thuê nhà theo cơ chế thị trường thì được tiếp cận và được sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Từ quan điểm đó thì một loạt các giải pháp cụ thể được đề ra phát huy tác dụng.
Chính sách nhà ở xã hội được đông đảo người dân mong đợi. Tuy nhiên, thực tế là nguồn cung nhà ở xã hội hiện quá ít so với nhu cầu. Xin hỏi Bộ trưởng tại sao nguồn cung nhà ở xã hội lại hạn chế như vậy? Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có chính sách gì để tăng nguồn cung này?
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn. Cả nước từ nay đến năm 2020 cần khoảng trên 1 triệu căn hộ. Trong khi đó nguồn lực cho phát triển nhà ở, khả năng của doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng còn rất khó khăn. Mặt khác phát triển nhà ở xã hội là một chương trình lâu dài, chứ không phải trung hạn hoặc ngắn hạn.
Vì vậy, phát triển nhà ở xã hội rất cần không chỉ các cơ quan trung ương mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng của địa phương, rồi vai trò của doanh nghiệp và trách nhiệm của người dân cũng như sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng để tạo nguồn vốn cho phát triển nhà ở. Nên, để phát triển nhà ở xã hội được đẩy mạnh hơn, ngày càng có nhiều nguồn cung nhà ở xã hội hơn cho người dân thì trong thời gian tới thì yêu cầu trước hết là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội mà trong đó Luật nhà ở 2014 thông qua cần phải cụ thể hóa bằng những Nghị định, Thông tư để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho phát triển.
Thứ hai, là các địa phương phải tiếp tục xây dựng chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Rồi xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm và coi đây như một chỉ tiêu, pháp lệnh của nhiệm vụ kế hoạch trung hạn cũng như dài hạn của mỗi địa phương.
Thứ ba, là phải tập trung để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Tạo những điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó thì các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để các doanh nghiệp và người dân được tiếp cận và sẽ có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội và người dân được mua, cải thiện nhà ở.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, phải tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị.
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, các đô thị đang đối mặt với các áp lực chưa từng có về môi trường sống, giao thông. Một số người dân đặt câu hỏi là: Người dân chúng tôi đã rất tiếc nuối khi nhìn những hàng cây cổ thụ, di tích lịch sử bị cắt hạ thay thế cho các công trình mới. Áp lực giao thông ngày càng tăng trong khi các khu nhà mới liên tục mọc lên giữa các khu đông dân cư. Xin Bộ trưởng cho biết chính sách phát triển đô thị của chúng ta đang được thực hiện như thế nào và trong thời gian tới được thực hiện ra sao?
Trong thời gian tới, trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị trong đó đặc biệt là phải kiểm soát quá trình phát triển đô thị không chỉ theo quy hoạch mà còn phải theo cả kế hoạch. Thứ hai, chúng ta phải kiên trì thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Thứ 3, chúng ta phải đổi mới công tác quy hoạch, thay vì các quy hoạch chỉ nằm gọn trong các địa giới hành chính, bị chia cắt bởi những địa giới hành chính thì nay chúng ta phải quy hoạch theo vùng lãnh thổ, vùng các đô thị, đặc biệt là vùng các đô thị lớn, các thành phố lớn để kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phân bổ các công trình đầu mối một cách hợp lý và khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, các nguồn lực của cả khu vực.
Làm thế nào để vừa giảm áp lực cho đô thị trung tâm nhưng đồng thời là phải tạo cơ hội để những đô thị vệ tinh phát triển và đó chính là những rào cản và giữ lại những người dân ở đó để họ có đủ việc làm, có đủ những dịch vụ tốt, sống trong những điều kiện tốt hơn và đó chính là giảm áp lực cho những khu đô thị lớn. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng ta phải thực hiện kiểm soát sự phát triển đô thị.
Mỗi địa phương phải xây dựng chương trình phát triển đô thị, xây dựng kế hoạch để đầu tư phát triển đô thị căn cứ vào các nguồn lực cụ thể của từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch đó. Khắc phục tình trạng phát triển tự phát, phong trào, thiếu nguồn lực thực hiện như thời gian vừa qua và có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đô thị cũng như là ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Một nhiệm vụ nữa là phải tập trung để chỉnh trang, cải tạo những khu đô thị cũ để đảm bảo đô thị chất lượng hơn và giữ gìn được bản sắc của mỗi đô thị. Cùng với đó thì chúng ta phải có các giải pháp để ứng phó với các biến đổi của khí hậu trong quá trình phát triển đô thị.
Thưa Bộ trưởng, có người dân đã gửi câu hỏi như sau: tôi nghe báo chí phân tích các dấu hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản trong năm nay. Ngân hàng cũng đang bắt đầu mở cửa cho vay bất động sản đối với những người dân mua nhà. Thưa Bộ trưởng, đây đã là thời điểm tốt để người dân chúng tôi tiến dần tới ước mơ sở hữu một căn nhà hay chưa?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường bất động sản đã được hồi phục và nguồn cung nhà ở ngày càng nhiều hơn, giá cả nhà ở cũng ổn định hơn. Đặc biệt nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh, trong đó có sự hỗ trợ của nhà nước. Cho nên đây cũng là cơ hội để người dân biến ước mơ trở thành hiện thực trong tương lai. Nhân dịp đầu năm mới! Tôi xin gửi đến tất cả các bạn thính giả khán giả lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mọi người biến ước mơ có một ngôi nhà mới trở thành hiện thực.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Theo Văn Hiếu