“Bội thực” dự án nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng
Khu căn hộ nghỉ dưỡng mới nhất tại Đà Nẵng vừa ra mắt thị trường với tên gọi The Cham trên đường Sơn Trà – Điện Ngọc, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Tiếp sau các khu nghỉ dưỡng ra mắt thành công trong năm 2008 và đầu năm 2009 như Montgomerie Links, The Ocean Villas hay Hyatt Regency Danang Resort & Spa, hàng loạt dự án biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng liên tục được chào bán trong thời gian gần đây như The Cham, The Summit, Furama Villas…
Theo thống kê của Savill Việt Nam, hiện có khoảng 13 dự án được quy hoạch, với 670 biệt thự dọc bờ biển Thành phố Đà Nẵng, sẽ tham gia thị trường trong vài năm tới. Đến năm 2015, sẽ có khoảng 15 dự án căn hộ được quy hoạch phát triển tại Thành phố Đà Nẵng, cung cấp khoảng 7.600 căn hộ cho thị trường.
Ngoài các dự án nghỉ dưỡng đang được chào bán, Đà Nẵng đang có khoảng 23 khách sạn và khu nghỉ mát 3 sao hoặc trên 3 sao trong quá trình xây dựng. Những khách sạn và khu nghỉ mát này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.733 phòng.
Không kể 3 khách sạn là Bamboo Green Harbourside, Lantern và Biển Đông resort đang nâng cấp, trong 5 năm tới, sẽ có 42 dự án khách sạn dự kiến tham gia thị trường khách sạn Đà Nẵng, cung cấp thêm khoảng 7.000 phòng từ 3 đến 5 sao.
Hiện tại, khách sạn và khu nghỉ mát 5 sao và 4 sao có giá thuê trung bình lần lượt là 90 USD/đêm và 70 USD/đêm. Còn giá phòng trung bình của khách sạn 3 sao giảm xuống chỉ còn khoảng 20 USD/đêm.
Với nguồn cung khá dồi dào, thị trường dự án nghỉ dưỡng Đà Nẵng có thể phải đối mặt với nguy cơ “bội thực” dự án, khi mà thời gian gần đây thị trường bất động sản nói chung đang có dấu hiệu chững lại từ Bắc chí Nam.
Người mua cũng ngày càng nhận ra bản chất của các “chiêu” làm giá từ chủ đầu tư và hệ thống đại lý phân phối dự án bất động sản.
Khách hàng ngày càng tỏ ra nghi ngờ hơn về giá trị thực của những căn hộ, biệt thự được bán với mức giá từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu USD. Những bất động sản này thường được các chủ đầu tư cho biết là đã được bán hết, nhưng thông tin cụ thể về khách hàng rất ít khi được tiết lộ. Ngoài ra, rất nhiều dự án đang được bán “trên giấy” trong khi thực tế hầu như chưa được triển khai.
Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, có những dự án kinh doanh biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, ông nhận được 2 lời mời sở hữu “danh dự” 2 căn biệt thự trước khi dự án tung ra thị trường, để tạo “niềm tin” cho những người mua sau.
Về danh nghĩa, ông là chủ sở hữu những bất động sản này, nhưng trên thực tế lại không phải bỏ ra một đồng vốn đầu tư nào. Khi dự án được nhiều người quan tâm, chủ đầu tư có thể bán cho khách hàng những căn biệt thự này và sẽ có “hoa hồng” cho ông.
Tại Hội thảo quốc tế về đầu tư bất động sản du lịch 2009 tổ chức tại TP.HCM mới đây, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến cáo về việc không minh bạch thông tin trong đầu tư bất động sản có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Sự truyền thông quá mức về sức hấp dẫn của bất kỳ phân khúc bất động sản nào cũng có thể gây ra hiện tượng “ảo” về cung - cầu.
Mặt khác, hiện tại giá thuê đất tại các thành phố lớn của Việt Nam quá cao so với một số nước trong khu vực, có thể khiến giới đầu tư dịch chuyển dòng vốn sang những thị trường hấp dẫn hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến các dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Một rủi ro khác mà các nhà đầu tư cũng phải đối mặt là trong thời gian ngắn, việc một nguồn cung lớn đồng loạt tung ra có thể khiến thị trường bị “đông cứng”.Báo Đầu tư