Các cụm công nghiệp tại BR-VT: “Khát” nhà đầu tư thứ cấp
Hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nhất là đường điện, hệ thống thoát nước thải sau xử lý nên các cụm công nghiệp (CCN) tại BR - VT khó thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.
Năm 2014, dù BR - VT đã loại bỏ 15 CCN ra khỏi quy hoạch, số lượng CCN còn lại sau rà soát là 14 cụm CN-TTCN, với quy mô khoảng 564 ha, tuy nhiên, nhiều CCN vẫn trong tình trạng khó khăn, không thu hút được nhà đầu tư...
Thiếu kết nối hạ tầng
Tháng 11/2006, Cty CP thương mại và xây dựng Hồng Lam đã làm lễ động thổ xây dựng CCN khí thấp áp tại phường Kim Dinh (CCN Hồng Lam). Đây là CCN khí thấp áp đầu tiên cả nước, sử dụng nguồn khí gas dẫn trực tiếp từ Côn Sơn về làm năng lượng phục vụ các ngành công nghiệp về nung, sấy..., tiết kiệm từ 3 - 10 lần so với sử dụng nguồn năng lượng khác. Dự án có diện tích giai đoạn đầu 30 ha, cam kết triển khai trong vòng 2 năm. Khi dự án triển khai thi công hạ tầng đã có một số DN đăng ký đất để xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, sau 8 năm kể từ khi khởi công xây dựng, CCN Hồng Lam đã hoàn thành san lấp mặt bằng toàn bộ diện tích 30 ha nhưng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. Hiện Cty CP thương mại và xây dựng Hồng Lam đã ký hợp đồng với Cty Vabis để xây dựng khu nhà xưởng sản xuất vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất, song cho tới nay hợp đồng vẫn chưa được triển khai.
Tương tự, CCN Tóc Tiên 2 do TCty Công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư (quy mô 30,46 ha) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ttháng 4/2009 nhưng do khó tìm nhà đầu tư thứ cấp nên ngày 26/8/2014, TCty công nghiệp Sài Gòn đã có văn bản xin dừng triển khai dự án này.
Tỉnh cần điều chỉnh quy định về nhóm ngành nghề vào các CCN phù hợp hơn. |
Hỗ trợ CCN kêu gọi các dự án thứ cấp
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, với quan điểm, quy hoạch phát triển các CCN gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh, đồng thời di dời, sắp xếp, tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương đã rà soát, loại bỏ những CCN không phù hợp.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ cho các CCN còn lại, theo ông Hiền, cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào vào các CCN đang xây dựng (đường giao thông, đường dân sinh quanh CCN, điện, viễn thông, cấp thoát nước…) nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho các CCN trong việc thu hút dự án thứ cấp. Ngoài ra, kiến nghị tỉnh điều chỉnh quy định về nhóm ngành nghề vào các CCN phù hợp hơn, quyết liệt hỗ trợ nhà đầu tư kết nối hạ tầng KCN với hạ tầng bên ngoài và tăng cường xúc tiến đầu tư để các CCN thu hút nhà đầu tư thứ cấp thuận lợi hơn.
>>>Đến năm 2020, diện tích khu công nghiệp Hà Nội sẽ gấp 5 lần hiện tại
Theo Ngô Kim