MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần làm rõ cơ sở hình thành tuyến Hồ Tây - Ba Vì

27-10-2010 - 13:52 PM | Bất động sản

Cần nghiên cứu lưu lượng giao thông, và các vấn đề liên quan khác để làm cơ sở hình thành tuyến đường này

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa tiếp tục có văn bản góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội (hồ sơ do Bộ Xây dựng gửi UBND TP ngày 15/10/2010). Theo đó, một số nội dung Hà Nội góp ý đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, một số nội dung đã được báo cáo giải trình làm rõ nhưng cũng còn một số nội dung chưa được làm rõ, nhiều nội dung đã có giải trình song chưa đủ cơ sở để thuyết phục.

Theo Sở Quy hoạch -Kiến trúc: Trục Hồ Tây - Ba Vì cần phân tích, giải trình rõ về cơ sở tính toán lưu lượng vận tải của tuyến đường trong tổng thể hệ thống giao thông thành phố và các vấn đề liên quan khác để có thể hình thành tuyến đường này theo đề xuất của đơn vị tư vấn. Xác định trục Hồ Tây - Ba Vì có tính chất, chức năng chính là trục không gian kiến trúc cảnh quan (nối trung tâm Hồ Tây với Ba Vì).
 
Nếu có đủ cơ sở xác định tuyến đường thì chỉ là hỗ trợ về giao thông để kết nối các không gian trên trục không gian kiến trúc cảnh quan nêu trên và không phải là đường cửa ngõ Hà Nội với phía Tây trong Vùng Thủ đô vì đã có đại lộ Thăng Long và đường 32; tuyến này nên kết thúc tại quốc lộ 21.
Trong trường hợp có tuyến đường hỗ trợ kết nối cho trục không gian kiến trúc cảnh quan Hồ Tây - Ba Vì (nếu đủ cơ sở xác định) thì với đoạn tuyến từ Vành đai 3 (cuối đường Hoàng Quốc Việt giao cắt với đường Phạm Văn Đồng) - Vành đai 3,5 hướng tuyến kết nối cần phù hợp cao với điều kiện hiện trạng, không nên đi thẳng vào đường Hoàng Quốc Việt (Vành đai 3).
 
Đối với đoạn tuyến từ Vành đai 3,5 đến Vành đai 4, khu vực này cần xác định là một nêm xanh kết nối hành lang xanh với vành đai sông Nhuệ và theo phân bố tổ chức không gian của chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4 (gồm các công trình phục vụ công cộng lớn như quảng trường xanh, công viên, vui chơi, giải trí…), không nên thể hiện chi tiết trong bản đồ quy hoạch là đường đôi thẳng, có không gian ở giữa bố trí công trình công cộng.
 
Với đoạn tuyến từ Vành đai 4 đến Ba Vì (quốc lộ 21), Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị đi theo địa hình, phù hợp cao với điều kiện hiện trạng, không nên tổ chức đoạn thẳng Đông - Tây (khoảng 4km) tại khu vực địa bàn huyện Thạch Thất, tuyến đường cần kết thúc tại quốc lộ 21, quy mô lộ giới nhỏ, bổ trợ kết nối cho tuyến đường 32 (phía Bắc) và đại lộ Thăng Long (phía Nam).

Về tổ chức không gian chuỗi đô thị dọc phía Đông vành đai 4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, cần khẳng định chỉ xây dựng công trình cao tầng tập trung theo tuyến, dải tại các khu vực không gian thuộc các trục tuyến xuyên tâm gặp các tuyến vành đai, phân bố hệ thống các trung tâm tại đây. Khu vực còn lại là khu vực nhiều tầng, thấp tầng có mật độ xây dựng phù hợp tính chất, quy mô đô thị để đảm bảo đô thị xanh và chuyển tiếp phù hợp các nêm xanh, giảm tính chất đô thị nén và hấp dẫn chuyển hóa khu nội đô trong khi vẫn phải đảm bảo các quỹ đất phục vụ chuyển đổi cho khu vực lõi.
 
Bên cạnh đó, một số vấn đề cũng cần được làm rõ trong đồ án như các dự án đầu tư trong không gian xanh (hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh…) sẽ được chấp nhận và xử lý như thế nào (?), đặc biệt là nguyên tắc và quỹ đất đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành cơ bản về hạ tầng. Cần cụ thể hóa các nội dung này, thể hiện trong không gian cụ thể, đồng nhất với nội dung đã thể hiện trong các đô thị tại đồ án.
 
Vấn đề phân kỳ đầu tư phát triển đô thị cần có kế hoạch phát triển theo các giai đoạn tương ứng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật của thành phố theo giai đoạn 5 -10 năm, xác định cụ thể các chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.
 
 Theo Song Hà
Kinh tế đô thị

thuatvk

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên