Chung cư Vimeco: 1 phiếu đặt chỗ mua nhà có giá 400 triệu đồng
Mặc dù dự án CT4 Vimeco (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đang trong quá trình làm móng, chưa đủ điều kiện pháp lý để bán hàng, nhưng trên thị trường nhiều xuất ngoại giao đã được chào bán với mức chênh lệch 300-450 triệu đồng/căn.
- 18-07-2013Ai đứng sau huy động vốn dự án của VinaMegastar?
- 30-08-2012Hé lộ nhiều dự án huy động vốn trái Luật: Vốn của nhà đầu tư có bị chiếm dụng?
- 01-11-2011Nghe "đại gia" BĐS vỡ nợ Nguyễn Thị Cúc kể chiêu huy động vốn
Dự án chung cư CT 4 Vimeco (khu đô thị Vimeco, Cầu Giấy, Hà Nội) có quy mô 5.668 m2, quy mô 39 tầng. Đây được coi là dự án đang được chào bán với mức giá chênh lệch cao nhất thị trường 300-450 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, bỏ ra đến cả nửa tỷ đồng nhưng để tìm mua được các suất bán dự án này không phải là dễ. Thực hư của cơn sốt căn hộ chung cư CT4 Vimeco là gì? PV VnMedia đã đi tìm hiểu thực tế sự việc.
Huy động vốn “chui”?
Trong vai 1 khách hàng đi tìm mua dự án chung cư CT4 Vimeco, PV đã được nhân viên sàn giao dịch BĐS khu Trung Hòa chào mời mua căn hộ của dự án này. Theo giải thích của nhân viên môi giới, hiện tại chủ đầu tư đang ký hợp đồng góp vốn với các suất ngoại giao. Nếu muốn mua khách hàng sẽ đặt cọc với người có suất 1 khoản tiền 50-100 triệu đồng/căn hộ. Và khách hàng sẽ được nhận phiếu đăng ký đặt chỗ của người có suất ngoại giao. Sau khoảng 10 ngày, khách hàng sẽ được vào công ty ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư.
Lúc đó, khách hàng sẽ phải nộp khoảng 1 tỷ đồng, tiền chênh trả cho người có suất ngoại giao là 350 triệu đồng/căn hộ có diện tích hơn 101 m2 và 400-450 triệu đồng/căn hộ có diện tích 148 m2. Như vậy, tổng cộng tiền khách hàng sẽ phải nộp ban đầu 1,3-1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi trong hợp đồng hợp tác, khách hàng có được chủ đầu tư chốt cho mua căn hộ nào, tầng cao bao nhiêu không? Thì nhân viên môi giới khẳng định, trong hợp đồng góp vốn, khách hàng sẽ không được chốt số căn tầng và giá bán.
Nhân viên này cho biết thêm, do giá hợp đồng thấp nên tiền chênh khách hàng phải trả ngoài nhiều. Tuy nhiên, nếu tính cả tiền chênh và tiền gốc thì tổng giá bán căn hộ 30 triệu đồng/m2 khách hàng nếu mua sẽ có lãi ngay. Bởi nếu so với các chung cư bên cạnh đều có mức giá bán hiện tại cao hơn là 32-35 triệu đồng/m2.
Như vậy, để được mua 1 căn hộ dự án CT4 Vimeco, khách hàng sẽ phải chi trả vài trăm triệu đồng tiền chênh nhưng đổi lại khách hàng không được chủ đầu tư "chốt" vị trí, diện tích căn hộ và giá bán chính thức là bao nhiêu như vậy có phải là quá rủi ro đối với khách hàng đang có nhu cầu mua nhà.
Điều đáng nói, dự án chung cư Vimeco đang được các sàn đẩy giá mạnh nhưng tiến độ xây dựng đang được triển khai rất cầm chừng. Thực địa dự án, theo quan sát của Pv, chủ đầu tư đang làm xong tường vây, bắt đầu đào móng. Theo các công nhân thi công, dự kiến đến tháng 10 dự án mới hoàn thành xong móng tòa nhà và 4 tầng hầm.
Khách hàng mua rủi ro
Câu hỏi đặt ra lúc này, tại sao dự án chung cư Vimeco chưa đủ điều kiện để bán hàng nhưng trên thị trường lại xuất hiện nhiều căn hộ được chào bán tràn lan dưới hình thức hợp đồng góp vốn? Thực tế, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư đã phải lách huy động vốn từ khách hàng mua nhà bang các loại hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Điều này cho thấy, sự sốt sang của chủ đầu tư có khả năng bị đói vốn nên muốn huy động tiền để làm dự án theo kiểu "mỡ nó rán nó".
Hơn thế nữa, số lượng căn hộ được chủ đầu tư bán "núp" danh nghĩa hợp đồng góp vốn liệu có vượt quá 20% tổng số căn hộ dự án được phép bán ở giai đoạn thi công phần móng hay không? Điều này vẫn còn là một bí ẩn nhưng những rủi ro nhìn thấy rõ với người mua nhà là họ có nguy cơ mất tiền mà không biết sẽ được mua căn hộ xấu hay đẹp và được mua với giá nào?
Ở một góc độ khác, theo nhìn nhận của giới chuyên môn, hiện tại đang có rất nhiều dự án chạy đua mở bán trước thời điểm 1/7 khi Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực. Bởi nếu bán hàng sau 1/7, chủ đầu tư phải mua bảo lãnh ngân hàng với mức phí 1-2% tổng mức đầu tư dự án. Do vậy, chủ đầu tư sẽ phải bỏ thêm ra 1 khoản tiền không nhỏ cho việc này.
Vì vậy, để chạy trước quy định, nhiều dự án đã lách luật huy động vốn dưới hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Còn nhớ thời điểm thị trường sốt nóng, loại hình hợp đồng góp vốn thường được các chủ đầu tư bất động sản dùng để lách luật bán nhà khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Trong vòng 5 năm trở lại đây, người mua đã quay mặt với loại hợp đồng dạng này, do nó tiềm ẩn quá nhiều rủi ro kể cả bị lừa đảo.
Thế nhưng thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu nóng trở lại thì đầu xuất hiện trở lại hợp đồng dạng này. Nhiều người mua nhà không hiểu biết, nghe theo những lời tư vấn không đúng sẽ rất dễ gặp phải rủi ro. Bởi những dự án đã phải huy động vốn chui thì phần lớn nằm ở nhóm chủ đầu tư năng lực tài chính kém.
Theo Anh Đào
VnMedia