MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Mỏ đá vây khu đô thị, dân khiếp đảm vì nổ mìn

22-03-2016 - 15:40 PM | Bất động sản

Hàng ngày người dân phải sống trong nơm nớp lo âu vì hoạt động nổ mìn phá đá gây nứt nhà dân, ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Được quảng bá là khu đô thị (KĐT) sinh thái nhưng hàng loạt hộ dân khu Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hàng ngày phải sống trong nơm nớp lo âu vì hoạt động nổ mìn phá đá gây nứt nhà dân, ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ghi nhận của PV tại đường B2.13 có hơn 10 ngôi nhà mới hoặc đang xây dựng phần lớn bị nứt.

Chủ đầu tư “hứa lèo”

Chỉ tay từng bức tường căn nhà 2 tầng khang trang mới xây từ tháng 9/2014, ông Nguyễn Hữu Hòa (chủ nhà lô 47, B2.13 thuộc KĐT Phước Lý) lo lắng: “Nứt nhiều lắm, sâu và dài trên khắp tường nhà, có nơi nứt rộng đến 1cm. Tại nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Lộc (lô 14, B2.13), mái tôn bị bật tung sau cú nổ mìn từ mỏ đá. “Con gái tôi mới 6 tháng tuổi lúc nào ngủ cũng giật mình khóc thét vì tiếng mìn nổ khủng khiếp”, chị Lộc nói.

Cách đường chừng 500m là khu vực mỏ đá Hòa Phát thuộc Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát. Theo các hộ dân, từ sau Tết Bính Thân đến nay, mỏ đá hoạt động rầm rộ với tần suất 2- 3 lần/ngày. Trước khi nổ, mỏ đá đều cho nhân viên chặn các ngả đường lên mỏ. Khói bụi, tiếng ồn, rung chấn cứ thế “tấn công nhà dân”… Anh Nguyễn Văn Tuấn (chủ lô 20, B2.13) mới khởi công xây nhà được 1 tuần chỉ cách mỏ đá chừng 400m kể: “Vài lần trước khi nổ mìn, các công nhân thuộc mỏ đá Hòa Phát đến dặn dò thợ xây nhà “nên tìm chỗ nấp để tránh đá nổ văng trúng đầu” (?!)

Các hộ dân bức xúc vì không được phía chủ đầu tư dự án KĐT Phước Lý (Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung, DMC) giữ đúng cam kết khi phân lô bán đất từng hứa các mỏ đá sẽ ngưng hoạt động. Thế nhưng, khi KĐT đã hình thành, người dân đến ở đông nhưng các mỏ đá “bao vây” KĐT sinh thái vẫn hoạt động rầm rộ. “Một là Đà Nẵng di dời mỏ đá, 2 là di dời KĐT. Không thể quy hoạch KĐT, đưa chúng tôi vào đây ở rồi bắt người dân sống chung với bụi đá, tiếng ồn”, ông Nguyễn Hữu Hòa kiến nghị.

Từ phản ánh của người dân, PV đã nhiều lần liên hệ với Công ty DMC để tìm hiểu sự việc nhưng đại diện phía nhà đầu tư này liên tục viện lý do “các sếp đều đang đi công tác”.

“Nổ mìn đúng quy định” (?)


Những vệt nứt dài xuất hiện khắp nhà ông Nguyễn Hữu Hòa.

Những vệt nứt dài xuất hiện khắp nhà ông Nguyễn Hữu Hòa.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Phong, Phó GĐ Công ty Hòa Phát cho rằng, mìn nổ đúng quy định và “không gây ảnh hưởng đến nhà dân”. Phương pháp nổ được sử dụng sóng truyền điện diễn ra chỉ 1/1.000 mili giây nên không gây tiếng nổ lớn, không nguy hiểm xung quanh. Điều này hoàn toàn ngược với phản ánh của hộ dân và các đoạn clip nhiều hộ dân KĐT Phước Lý đăng tải trên mạng xã hội bức xúc trước vấn nạn nổ mìn khai thác đá.

Dù liên tục bị kiến nghị, phản ánh qua kênh thông tin lên thành phố nhưng các mỏ đá này vẫn được gia hạn khai thác. Theo tìm hiểu của PV, dưới chân núi Phước Tường (quận Liên Chiểu và quận Cẩm Lệ) có 7 mỏ đá đang hoạt động gồm: Phước Tường, Hòa Phát, Phước Lý 2, Cẩm Khê, Hùng Vương, Phú Mỹ Hòa, Vạn Tường.

Trong đó, mỏ Hòa Phát xuất hiện sớm nhất và thời hạn cuối để Công ty Hòa Phát dừng hoạt động khai thác đá là ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, ngày 8/1/2016, UBND TP Đà Nẵng lại có quyết định số 179 cho phép Công ty Hòa Phát tiếp tục nổ mìn khai thác đá trong vòng 20 ngày (từ 18/2 - 8/3) và tiếp tục tận thu đá sau đó. Ngày 9/3, mục sở thị tại khu vực mỏ đá Hòa Phát, các hoạt động khai thác, vận chuyển vẫn diễn ra như thường lệ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó GĐ Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, các mỏ đá dưới chân núi Phước Tường cung ứng hơn 2/3 sản lượng đá các loại cho địa bàn Đà Nẵng. Để đảm bảo nguồn cung này, Sở đã lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đá xây dựng trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND TP Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 7747 phê duyệt lộ trình đóng cửa các mỏ đá đến sau năm 2020. Như vậy, nhiều khả năng các hộ dân vùng sinh thái KĐT Phước Lý vẫn còn phải sống chung “dài dài” trong sợ hãi.

Theo Tấn Việt

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên