Đại gia Lê Thanh Thản và bí quyết “không cần vay ngân hàng”
Bí quyết nào khiến đại gia điếu cày Lê Thanh Thản có thể xây hàng chục dự án mà không cần vay ngân hàng?
- 17-10-2013Những phát ngôn gây "sốc" của đại gia hút điếu cày đi Rolls Royce
- 17-10-2013Đại gia điếu cày: "Ai thích thì cứ đi khiếu kiện"
- 14-10-2013Khách mua nhà lại dọa kiện "đại gia điếu cày"
Thời gian qua là quãng thời gian trầm lắng nhất của thị trường bất động sản như chuỗi bong bóng phồng to rồi… “đóng băng”. Lĩnh vực vốn được xem là hái ra tiền bỗng dưng trở thành “vũng lầy” khiến không ít đại gia máu mặt sa chân. Hàng loạt dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư, nhà thầu mắc kẹt giữa tiền vay ngân hàng, tiền trả nhân công, tiền mua vật liệu…
Tuy nhiên, trong khoảng tối đó, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản – Giám đốc Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu lại nổi lên như tia sáng hiếm hoi của cả thị trường bất động sản khi vẫn bán tới hàng nghìn căn hộ chung cư/năm.
Và quan trọng hơn là tuyên bố “không cần vay ngân hàng”. Vậy đâu là bí quyết khiến chủ nhân chuỗi khách sạn Mường Thanh có đủ khả năng làm việc đó?
Thâu tóm dự án chậm tiến độ với giá hời
Một trong những bí quyết giúp ông Thanh Thản có thể “ung dung” trong khi thị trường đóng băng là khả năng “nhìn xa trông rộng”.
Từ cả chục năm trước, khi khái niệm thu mua & sáp nhập (M&A) vẫn còn xa lạ thì ông Thản đã bắt tay thâu tóm hàng loạt dự án chậm tiến độ. Điều kiện đáp ứng rất đơn giản: đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, không tranh chấp – PV), vị trí thuận lợi và đã có đầy đủ thủ tục triển khai dự án.
Ngoài ra, theo vị doanh nhân xứ Nghệ cho biết thêm: “Tất nhiên, những dự án như vậy phải có giá rẻ hoặc chủ đầu tư chịu cắt lỗ, chúng tôi mới mua”.
Bởi ông Thản cho rằng, với những dự án đã hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý như vậy, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thi công, tạo ra sản phẩm đủ điều kiện bán hàng để tung ra thị trường.
Chính phương châm này đã giúp đại gia điếu cày thâu tóm thành công hàng loạt dự án Đại Thanh (trước đó của công ty Hải Phát), chung cư tại khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (mua của Vinaconex 2), chung cư VP3 – VP5 Linh Đàm của công ty Thành Nam…
Và toàn bộ các dự án này đều được bán hết veo ngay cả khi tâm lý mọi người đều ngại chi tiền cho bất động sản vì sợ giá xuống thấp hơn nữa.
Rẻ tới mức “không thể rẻ hơn”
Bí quyết khiến ông Thản không phải lo cho “đầu ra” của hàng loạt dự án đó chính là mức giá “không thể rẻ hơn được nữa”. Cuối năm 2012, ông Lê Thanh Thản bất ngờ gây sốc khi tung ra giá bán thấp nhất thị trường dành cho căn hộ tại khu chung cư Đại Thanh, với giá chỉ 10 triệu đồng/m2, thấp hơn cả nhà ở xã hội.
Sàn giao dịch Mường Thanh tấp nập người môi giới, khách hàng. Trên các trang mạng, chợ giao dịch chung cư Đại Thanh sôi động vì sản phẩm đánh trúng vào nhu cầu thực của đại đa số khách hàng đang khát khao chốn an cư.
Với giá tiền đó, thật khó để nói tới mức độ cạnh tranh về tiện ích và chất lượng của các căn chung cư, nhưng nhìn vào những gì doanh nghiệp này đã làm, người mua vẫn đến ào ào. Hơn 2 tháng, công ty bán được gần 4.000 căn hộ.
Đầu năm 2013, tòa chung cư gần 40 tầng trong Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ đã được bán hết veo trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Đầu quý II, chung cư VP5 Linh Đàm lại gây ồn ào trên thị trường với giá bán trung bình 15 triệu đồng/m2, có vị trí khá đẹp trong Khu đô thị Linh Đàm.
Đối với dự án VP3 Linh Đàm, công ty cũng đưa ra chính sách sốc không kém: giảm giá từ 33 triệu đồng/m2 xuống 22 triệu đồng/m2.
Tâm sự về bí quyết kinh doanh của mình, ông Thản nói: “Khi ít vốn và cả khi đã trường vốn, nên áp dụng sách lược mua rẻ để bán rẻ hoặc kinh doanh lâu dài”, chính sách giá rẻ luôn là một “chiêu” bán hàng hay nhất”.
Bạo vì tiền
Chính nhờ khả năng quay vòng vốn nhanh khi hàng tung ra thị trường nhanh chóng bán hết, Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu của ông Thản là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản trường vốn và đủ khả năng “bạo vì tiền”.
Ông Thản từng nói, sở dĩ ông dám bán nhà ở khu Đại Thanh với giá 10 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi vì trong dự án này, công ty ông không sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, hoàn toàn là nguồn vốn tự có.
Trong khi tổng vốn đầu tư của Dự án Đại Thanh theo dự toán là 3.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 block chung cư có vốn đầu tư ước 2.400 tỷ đồng.
Nếu không vay ngân hàng, chủ đầu tư cần tự có khoảng 50% vốn (chi phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây xong móng để đủ điều kiện bán hàng).
Như vậy, riêng Dự án Đại Thanh, trong tay ông Thản phải có khoảng 1.200 tỷ đồng.
Dù dự án Đại Thanh không cần tiền vay ngân hàng nhưng ông Thản cũng khẳng định, doanh nghiệp ông vẫn vay nếu ngân hàng nào có chính sách cho vay hợp lý.
Điều này cũng là hợp lý bởi trong tay doanh nghiệp của ông có tới 21 khách sạn Mường Thanh và rất nhiều dự án chung cư khác cần đến tiền. Tuy nhiên chỉ cần 1 dự án Đại Thanh với số vốn tự có lên tới hơn nghìn tỷ cũng đủ khiến cho giới bất động sản phải ngưỡng mộ vị đại gia giản dị, đi xe triệu đô vẫn hút điếu cày này.
Theo MAY A
Đời Sống Pháp Luật