Địa ốc London bất ngờ ế ẩm
Nhu cầu bất động sản hạng sang đang giảm tốc mạnh, không chỉ ở London mà cả ở các thị trường lớn khác trên thế giới...
Vào tháng 8/2014, khi thị trường bất động sản London tăng chóng mặt, một căn hộ 2 phòng ngủ tại một trong những khu đắt nhất của thành phố được rao bán với giá 3,25 triệu Bảng, tương đương 4,64 triệu USD. Mức giá này tăng 67% so với thời điểm cách đó 6 tháng.
Nhưng theo tờ Wall Street Journal, căn hộ trên - thuộc khu Cadogan Gardens ở quận Knightsbridge - hiện vẫn chưa được bán. Và kỳ vọng về giá của nó đã đảo chiều. Từ sau lần tăng giá vào tháng 8/2014 đến nay, giá căn hộ này đã bị giảm 3 lần, hiện còn 2,5 triệu Bảng.
Theo tờ Wall Street Journal, ở những khu vực có giá địa ốc “chát” nhất London, “cơn sốt” ngày nào đang hạ nhiệt.
Mấy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các nhà đầu tư giàu có, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và Trung Đông đua nhau sắm nhà cao cấp ở những thành phố như London, New York và Vancouver. Khi đó, bất động sản dường như là một kênh đầu tư an toàn, đem lại lợi nhuận “khủng” trong môi trường lãi suất siêu thấp.
Giờ đây, nhu cầu bất động sản hạng sang đang giảm tốc mạnh, không chỉ ở London mà cả ở các thị trường lớn khác trên thế giới.
Theo phân tích của công ty môi giới bất động sản Knight Frank LLP, giá bình quân của nhà cao cấp tại 10 thành phố toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,7% trong năm nay, từ mức tăng 3% trong năm 2015.
Các nhà đầu tư nước ngoài trước đây giữ vai trò chủ chốt trong việc tạo ra “sốt” bất động sản cao cấp giờ đang phải đối mặt với đồng nội tệ mất giá, cú sốc chứng khoán, và giá dầu giảm sâu.
Theo ông Manish Chande, nhà môi giới của công ty bất động sản Anh Clearbell Capital, “cơn điên trên thị trường địa ốc cao cấp ở London đã hoàn toàn biến mất. Cách đây 18 tháng, nhà bán chạy như tôm tươi. Hiện nay, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại”.
Giá nhà ở trung tâm London, bao gồm bất động sản cao cấp ở những khu “nhà giàu” như Mayfair và Chelsea, đã giảm 1,4% trong năm 2015 - theo số liệu của công ty Lonres. Còn theo Knight Frank, giá nhà ở khu Knightsbridge đã giảm 5,6% trong tháng 11/2015 so với cùng kỳ năm trước.
Tại New York, nhu cầu nhà cao cấp đã giảm từ năm ngoái, một phần do đồng USD tăng giá mạnh. Knight Frank dự báo giá bất động sản hạng sang sẽ giảm ở Hồng Kông, Singapore và Paris trong năm nay.
Hồi tháng 10/2015, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng giá nhà ở Sydney, Vancouver, San Francisco và Amsterdam có vẻ đã “cao hơn nhiều so với giá trị thực”.
Theo Knight Frank, giá nhà cao cấp ở Sydney tăng 15% trong năm 2015, nhưng mức tăng có thể chỉ đạt 10% trong năm nay.
Nhiều nhà đầu tư giàu có của Nga đã rút khỏi thị trường bất động sản London do tác động của lệnh trừng phạt quốc tế, đồng Rúp mất giá mạnh, và áp lực chính trị của Moscow nhằm hạn chế hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Đối với giới nhà giàu Trung Đông, giá dầu lao dốc đang là vấn đề khiến họ “đau đầu”. Bởi vậy mà nhu cầu mua nhà cao cấp ở nước ngoài của các nhà đầu tư đến từ khu vực này cũng giảm bớt.
Còn đối với khách đến từ châu Á và một số thị trường mới nổi khác, đồng nội tệ của họ mất giá đang trở thành rào cản đối với việc mua bất động sản cao cấp ở những thành phố London, New York hay Sydney. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư giàu có đến từ Trung Quốc còn đang “hao tiền tốn của” vì chứng khoán lao dốc.
VnEconomy