MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa ốc Sài Gòn nhộn nhịp mua bán dự án bất động sản

20-03-2016 - 11:15 AM | Bất động sản

Chưa đầy một tháng trở lại đây, hàng loạt dự án BĐS đã được các doanh nghiệp có năng lực về tài chính mua lại hoặc hợp tác với chủ đầu tư cũ để tiếp tục triển khai. Các chủ đầu tư mạnh vì tiền cho rằng, thị trường BĐS 5-10 năm tới sẽ rất sôi động, do vậy từ bây giờ phải thực hiện chiến lược hợp tác để dành quỹ đất.

Điều đáng chú ý là hầu hết các thị trường đều bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, nhưng lĩnh vực BĐS thì ngược lại. Nhận xét từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM như sau: “Một kết quả đáng mừng là các doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang thống lĩnh thị trường BĐS, kể cả trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chứ không phải là doanh nghiệp nước ngoài”.

Từ đó, thị trường đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài.

Sự mua bán dự án vừa làm cho thị trường sôi động, tạo dựng nên nhiều quỹ nhà, nhưng đặc biệt sẽ giải phóng tồn kho, nợ xấu BĐS. Hiện nay, TPHCM có 1.219 dự án phát triển BĐS với quy mô 4.921,5ha, tương ứng với 315.506 căn hộ (tính gộp cả 502 dự án chưa khởi công và dự án tạm ngưng triển khai).

Rõ ràng, nguồn cung dự án thật dồi dào, là cơ hội cho những ai thông thạo thị trường, dám đương đầu với thử thách, bởi thị trường BĐS luôn trắc trở, khó lường...

Chẳng hạn, thị trường địa ốc TP.HCM sau tết rất “nóng” bởi chuyện tập đoàn Hưng Thịnh đã “bao” toàn bộ dự án Thảo Loan Plaza, tại khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) để phát triển và chuẩn bị tung sản phẩm ra thị trường.

Thực chất, dự án này gồm 7 lốc chung cư chưa xây, cùng với một lốc chung cư dở dang đã bán cho khách hàng, do Công ty BĐS Thảo Loan làm chủ đầu tư. Sự việc lùm xùm nổi lên vào năm 2013 khi khách hàng kéo nhau kiện tụng chủ đầu tư không chịu giao nhà. Lúc đó mới biết chủ đầu tư mất khả năng chi trả, dự án “trùm mền” đến khi có chủ đầu tư mới.

Mới đây nhất, ngày 19/03/2016, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã chính thức ký kết hợp tác toàn diện với các đối tác là Công ty CP Dệt may Liên Phương (LPTex) và Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (Fideco) để phát triển một loạt dự án BĐS trên quỹ đất khá lớn.

Theo đó, Thuduc House bắt tay với Fideccco để phát triển dự án 28 Phùng Khắc Khoan, quận 1. Đây là dự án trung tâm thương mại – văn phòng có diện tích 1,238 m2 , dự kiến sẽ hoàn thành công tác thiết kế và xây dựng vào cuối năm 2016 và phát triển Khu dân cư cao cấp Cần Giờ thuộc huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, Thuduc House bắt tay với LPTex để phát triển các dự án gồm: Văn phòng - Căn hộ cao cấp V. Building tại Trung tâm Quận 1; Khu dân cư Thuduc House - Liên Phương (Q.9), Khu đô thị mới Nam Định (TP.Nam Định), Chung cư Vĩnh Hải (Nha Trang).

Để thực chiến lược này, Thuduc House cũng tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư PAVO (Pavo Capital), nhằm huy động vốn mạnh vào các dự án có qui mô lớn mà Thuduc House sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trước đó, công ty CP Phát Triển BĐS Phát Đạt với Công Ty An Gia Investment và Quỹ Đầu Tư Creed Group (Nhật Bản) để triển khai dự án River City (Q.7) có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Một thương vụ khác, công ty TNHH Keppel Land đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng ở Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.

Giao dịch có giá trị 93,9 triệu USD này đưa Keppel Land trở thành cổ đông lớn nhất trong Liên doanh Empire City bên cạnh hai đối tác Việt Nam là Công ty CP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (hai công ty này góp 30% vốn) cùng Quỹ đầu tư BĐS tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông góp 30%. Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 2/2016.

Nhận định về con đường hợp tác cùng có lợi, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết không phải dự án nào cũng được mua lại mà phải xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo dự án sẽ “sống lại”. Khi chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính mới tìm đối tác mạnh về tài chính, chuyên nghiệp về bán hàng, để hồi sinh dự án. Nếu đối tác không đảm bảo 2 yếu tố trên thì dự án khó “hồi sinh”.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên