MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia hạn GPMB dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

03-09-2015 - 09:46 AM | Bất động sản

Ngày 31/8, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 6097/UBND-KH&ĐT, cho ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Công văn nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được báo cáo của Sở Xây dựng báo cáo tình hình thực hiện dự án di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và ý kiến đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi xem xét, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 12/2/2010 và Quyết định số 5272/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 đến hết quý IV/2015.

UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm khẩn trương triển khai các thủ tục để hoàn thiện dự án theo đúng tiến độ được giao. Trong quá trình triển khai nếu có phát sinh khối lượng, điều chỉnh dự án trên báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định theo đúng quy định hiện hành.

Được biết, dự kiến ngày 30/6/2016 đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại. Như vậy, dự án chỉ còn chưa đầy 1 năm để hoàn thiện. Hiện tại, khối lượng hoàn thành dự án hiện nay mới đạt khoảng 58%. Công tác giải ngân đạt 50%, trong đó xây lắp đạt 42% và giải phóng mặt bằng đạt 80%.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1/2016 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến giữa năm 2016 mới chính thức đưa vào vận hành thương mại.

Về tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh tăng thêm 315 triệu USD, tổng mức dự án đến thời điểm này vào khoảng 868,04 triệu USD. Trong số 315 triệu USD tăng thêm, phần vốn vay ODA phía Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng phía Việt Nam. Lý do điều chỉnh vốn được đưa ra là tăng chi phí xây dựng 146,3 triệu USD, chi phí thiết bị tăng 77 triệu USD, mua sắm đoàn tàu tăng hơn 19,4 triệu USD.

Lan Nhi

Trở lên trên